Những bài viết nơi ngọn sóng

Thứ Năm, 23/6/2011, 8:22 (GMT+7)

(TT&VH) - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, thường là ngày duy nhất trong năm các nhà báo được tự viết về mình, họ thể hiện mình qua những tâm sự nghề nghiệp, những chuyện hậu trường của “nghề nguy hiểm” vốn không bao giờ được thể hiện trên mặt báo.

Nhưng ngày 21/6 năm nay, hầu như tất cả các nhà báo đều dành phần viết về mình cho biển đảo quê hương.

Một năm qua đi, báo chí sôi động với rất nhiều “mặt trận”, nào là chống tham nhũng, chống buôn lậu, quan liêu, trải rộng các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, giải trí... Vấn đề nào họ cũng là những người đi đầu, những người nơi ngọn sóng. Có sá chi, bởi đất nước giao cho họ sứ mạng đó. Có thể gọi, sản phẩm của họ là những phóng sự truyền hình, ảnh tin, bài viết nơi ngọn sóng. Năm nay, ngọn sóng nào lớn như sóng Trường Sa, như sóng những vùng biển đảo quê hương.

Hàng năm, ngày 21/6, những tờ báo đều dành đất cho “chiến sĩ” của mình viết riêng về hậu trường lĩnh vực mình theo dõi. Báo thời sự chính trị, các phóng viên kể chuyện các vụ chống tham nhũng, tiêu cực; báo ngành ví như báo Giáo dục Thời đại kể chuyện tác nghiệp của phóng viên giáo dục, thi cử; các phóng viên thể thao kể về hậu trường các trận thi đấu...

Năm nay, không hẹn mà gặp, hầu hết các báo đều đưa về những câu chuyện, những tâm sự, cảm xúc của những người làm báo từng tác nghiệp ở Trường Sa và trên những vùng biển đảo quê hương. Đến nỗi, một đồng nghiệp của tôi tại báo Thanh niên từng ra đảo Trường Sa thốt lên rằng: “Nếu gom các số báo ra ngày hôm nay (ngày 21/6), có thể lên đầy đủ danh sách các phóng viên trong cả nước đã từng ra Trường Sa hay từng đặt chân đến những hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc”.

Có lẽ anh không ngoa! Họ nếu không từng đặt chân đến những nơi địa đầu ấy, sao có thể ghi lại một cách trung thực nhất, sao có thể hoàn thành sứ mệnh “người thư ký trung thành của thời đại”. Và có lẽ, sau những chiến sĩ hải quân, thì nhà báo là những người có điều kiện nhất để đặt chân đến những nơi này.

Hình ảnh có lẽ nhiều người khó quên trong lễ trao giải báo chí quốc gia năm nay, hai trong số các nhà báo đoạt giải cao nhất, Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm (Phân xã Quảng Ngãi - TTXVN) đoạt giải A thể loại giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép và nhà báo Phương Hoa (Ban Sản xuất ảnh báo chí - TTXVN) giải B (không có giải A) thể loại ảnh báo chí.

Tôi nhớ đến họ, không hẳn vị họ đoạt giải cao mà bởi một lẽ khác. Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm, ông đã già, đã gần 40 năm trong nghề và bên cạnh ông, Phương Hoa, một phóng viên trẻ mới vào nghề 4 năm. Họ, hai thế hệ khác nhau, một già một trẻ, như cha con. Một mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc bên một mái tóc xanh, tràn trề sức trẻ. Nhưng họ gặp nhau ở điểm chung: những bài viết nơi ngọn sóng. Như lời hát trong Đất nước lời ru: “Xưa bao cha anh hành quân xa/Nay thêm bao con cùng đi xa”.

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng

Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội lại chứng kiến những giờ khắc đau thương. Nơi đây, ngày hôm nay là Lễ tang 9 chiến sĩ trên máy bay CASA-212 hy sinh trên biển ngày 16/6 tại khu vực Đảo Bạch Long Vĩ.

Giải Báo chí Quốc gia, mơ ước của nhiều người làm báo, vinh danh họ. Nhưng phần thưởng lớn lao nhất với họ, là họ đã đem lại được những hình ảnh, những câu chuyện và cuộc sống hiện thực nhất nơi biển đảo quê hương đến với độc giả. Cho mỗi người dân, khi mở trang báo ra, để thêm yêu tổ quốc mình, để nhìn thấy đất nước bao la và toàn vẹn.

Nguyễn Gia

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến