Người cuối cùng rời khỏi con tàu chìm

Chủ Nhật, 22/5/2011, 11:2 (GMT+7)

(TT&VH) - Đêm 20/5 tàu du lịch Dìn Ký chìm sâu xuống sông Sài Gòn mang theo 16 mạng người vô tội. Đây là thảm họa thương tâm, nhưng nó không phải là cá biệt, nếu không muốn nói là xảy ra dồn dập thời gian gần đây.

Tháng 1/2011 hơn 200 du khách đã thoát khỏi miệng hà bá trên sông Cần Thơ khi nhà thuyền của làng du lịch Mỹ Khánh đột ngột bị chìm xuống lòng sông. Tai họa không xảy ra bởi nhà thuyền được neo đậu gần bờ và được người dân và các lực lượng cứu hộ trên bờ trợ giúp.

Đưa xác nạn nhân trong vụ chìm tàu Dìn Kýlên xe cứu thương


Gần hơn, ngày 17/2, tàu du lịch Trường Hải 06 đã bị chìm trên vịnh Hạ Long. Nguyên nhân vụ chìm tàu bi thảm này được xác định là do: “Thợ máy của tàu không đóng van thông sông (van lấy nước làm mát máy khi tàu chạy) khiến nước tràn vào tàu trong suốt thời gian từ đêm đến sáng, dẫn đến tàu tự chìm”. 12 hành khách đã chết, 6 thuyền viên trên tàu thoát nạn.

Ngay đầu tháng 5 đây, một tàu du lịch của công ty du lịch Hải Long đã bị đâm chìm trên vịnh Hạ Long. Khi tai nạn xảy ra toàn bộ du khách đã lên tham quan đảo Sửng sốt nên trên tàu chỉ có thủy thủ đoàn, và thật may là không ai thiệt mạng.

Nước ta có 3.260km bờ biển, hàng vạn sông ngòi, kênh rạch lớn, với nhu cầu của người dân, du lịch đường thủy ngày càng phát triển mạnh. Tàu thuyền du lịch, nhà hàng nổi với sức chứa hàng trăm người trở nên ngày càng nhiều. Việc cấp phép cho các phương tiện này có quy chuẩn an toàn rõ ràng. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không điều luật nào có thể đong đếm rõ ràng, đó là “đạo đức” thuyền viên.

Tai nạn xảy ra, lỗi có thể do chủ quan hay khách quan, do con người hoặc thiên nhiên, vấn đề là con người ta ứng xử như thế nào để hậu quả xảy ra là thấp nhất. Tai nạn trên tàu Trường Hải 06 có lỗi của thuyền trưởng, máy trưởng, và họ chính là những người thoát khỏi tàu đầu tiên khi tàu có dấu hiệu chìm. Vụ chìm tàu Dìn Ký, những người thoát chết bơi vào bờ đầu tiên là những thuyền viên, nhân viên phục vụ trên thuyền. Điều đó cũng dễ hiểu, khi tai nạn xảy ra, dù gì thì chính những thuyền viên trên tàu là người chủ động hơn du khách, họ lại quen địa bàn, và có thể được đào tạo về nghiệp vụ. Hơn nữa, vụ lật tàu lại diễn ra quá nhanh, khó có thể xoay xở, ứng cứu. Ai thoát chết được là may lắm.

Không ai trách họ, bởi bản năng sinh tồn của sinh vật là cố gắng giành sự sống cho mình. Bản năng là thế, nhưng với những người dấn thân vào những nghề đặc biệt như lái tàu thì mạng sống của mình thậm chí còn để xuống hàng thứ yếu.

Thuyền trưởng là người cuối cùng rời con tàu bị nạn, đó là luật bất thành văn, quy tắc đạo đức của nghề này. Trong bộ phim kinh điển Titanic, những người sống sót nói rằng, khi tàu chìm họ đã trông thấy thuyền trưởng Smith bơi lại gần chiếc xuồng bạt cứu hộ, nhưng rồi ông quay đi, vì nhận ra rằng trên xuồng đã có quá nhiều người. Nhiều người khác lại nói hai tay ông nâng một em bé mà ông cứu được dưới biển. Tuy những phút giây cuối đời của vị thuyền trưởng này vẫn còn là bí ẩn với thế giới, nhưng với những huyền thoại trên, tên tuổi ông vẫn được nhắc đến như một vị thuyền trưởng khả kính, dẫu con tàu đã bị chìm.

Mạnh Cường

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến