"Nghệ nhân Nhân dân": Truy tặng hơn phong tặng

Thứ Ba, 5/3/2013, 9:52 (GMT+7)
Vì nhiều vướng mắc, thông tư xét tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” đến nay vẫn chưa được ban hành trong khi các nghệ nhân lần lượt qua đời

“Người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” Hà Thị Cầu đã ra đi, để lại tiếc nuối cho những người yêu mến nghệ thuật hát xẩm. Ở tuổi ngoài 90, “báu vật nhân văn sống” này ra đi trong sự lặng lẽ, khó khăn và lòng chưa thanh thản vì danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) của Nhà nước trao tặng chẳng bao giờ đến được với bà.



Nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn thuộc diện nghèo khổ cho đến lúc qua đời.

Ách tắc ở nhiều khâu

Nhiều năm trước khi bà Hà Thị Cầu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, Báo Người Lao Động có bài Bao giờ “báu vật nhân văn sống” được đãi ngộ? Khi ấy, không ít nghệ nhân, những người lưu giữ vốn liếng di sản và truyền dạy ngón nghề nghệ thuật dân gian, lần lượt ra đi mà chẳng bao giờ được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước.
 
Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, một trong những “liền anh” quan họ nổi tiếng; nghệ nhân Trần Kích, người được xem là nghệ nhân cuối cùng của nhã nhạc cung đình Huế, rồi nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn… đều đã mang theo kiến thức, tài năng sang thế giới bên kia mà chưa một lần nhận được những danh hiệu cáo quý của Nhà nước phong tặng.
 
Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), chia sẻ hơn ai hết, Bộ VH-TT-DL hiểu rõ tính cấp thiết phải ban hành thông tư xét tặng danh hiệu cho các cá nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của các nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, vì nhiều vướng mắc, thông tư này đến nay vẫn chưa được ban hành.
 
Từ năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho hơn 150 người. Nhưng theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc phong tặng của hội này mới chỉ là sự động viên tinh thần, còn chính sách đãi ngộ hầu như chưa có. Cũng khoảng thời gian này, Cục Di sản văn hóa phối hợp Sở VH-TT- DL Bắc Ninh điều tra, nghiên cứu để phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian tiêu biểu.
 
Các cơ quan chức năng đã tiến hành tổng kết đề án thí điểm mang tên Nghiên cứu xây dựng danh sách nghệ nhân quan họ tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, lập ra danh sách 59 nghệ nhân để tôn vinh. Tuy nhiên, khi trình lên cấp có thẩm quyền, bị ách lại vì vướng Luật Di sản. Thông tư xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT soạn thảo sau này cũng được nâng lên đặt xuống nhiều lần vì chồng chéo với thông tư xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT dành cho các nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống của Bộ Công Thương.

Cho đến tận khi chia tay cõi đời, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn thuộc diện hộ nghèo, nhà chẳng mua nổi cái chăn ấm nếu không được học trò gần xa mang tặng. Một thống kê gần đây cho thấy 90% trong số gần 200 đào nương, kép đàn nổi tiếng của ca trù không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Họ phải làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi niềm đam mê nghệ thuật... Theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, có tới 70%-80% nghệ nhân thuộc diện được xem xét phong tặng danh hiệu đều đã ở tuổi gần đất xa trời.

Vẫn còn tranh cãi

Trong dự thảo thông tư phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT đang được hoàn thiện, người được xét công nhận phải có thời gian thực hành 25 năm trở lên với danh hiệu NNND và 20 năm trở lên với NNƯT, phải có tài năng xuất sắc, có đạo đức tốt, được đồng nghiệp yêu mến, được cộng đồng thừa nhận...
 
Người được phong tặng sẽ được nhận huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, sẽ có tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung đối với NNND và 9,0 lần mức lương tối thiểu chung đối với NNƯT. Đối với những nghệ nhân đủ tiêu chuẩn được xét tặng NNND hay NNƯT, nếu qua đời trong thời gian giữa 2 kỳ xét tặng thì được lập hồ sơ đề nghị xét truy tặng.
 
Nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề đã là nghệ nhân dân gian, liệu có cần phải đặt ra hai mức danh hiệu nhân dân và ưu tú? Và nếu có NNƯT thì tiêu chuẩn thế nào mới được “nâng hạng” lên hàng NNND, vì đặc thù của nghệ nhân dân gian khác hẳn nghệ sĩ được đào tạo bài bản trường lớp.
 
Bà Lê Thị Minh Lý, nguyên cục phó Cục Di sản văn hóa - người trực tiếp soạn thảo thông tư hướng dẫn này, từng thừa nhận những người soạn thảo không muốn đề ra hai danh hiệu nhưng theo Luật Thi đua - Khen thưởng thì vẫn phải có đủ danh hiệu NNND, NNƯT. Và thực tế, những người soạn thảo cũng còn nhiều lúng túng trong việc “nâng” danh hiệu từ NNƯT lên NNND sẽ như thế nào, bao lâu thì được xét, cần tiêu chuẩn gì?

Thêm vào đó, chính sách dành cho các nghệ nhân sau khi được phong tặng như thế nào cũng là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi nếu sau vinh danh, nghệ nhân không được hưởng chính sách đãi ngộ nào dài hơi để phát triển di sản thì việc vinh danh ấy cũng không có ý nghĩa.

Theo Người lao động

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến