'Ngập' sao Hoa ngữ, vắng tinh hoa và 'nhập siêu' thần tượng

Thứ Sáu, 15/7/2016, 21:26 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tại hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch mới đây, vị “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng, đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tinh hoa.

Rằng khi tiếp đón các Bộ trưởng nước ngoài đến thăm Việt Nam, chúng ta chỉ biết làm duy nhất là mời cơm. Cùng lắm thì cũng chỉ gọi một vài ca sĩ, đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, chương trình hoàn toàn không xứng tầm, không có tinh hoa.

Cái sự “lâu lắm rồi” mà Bộ trưởng đề cập chắc chắn không phải nói về truyền thống văn hiến, bản sắc ngàn năm mà chúng ta vẫn đem ra tự hào với nhau. Nhưng nó cũng gợi nên rất nhiều suy ngẫm, nhất là đối với người trẻ trong bối cảnh đất nước gần đây.

Lẽ thường, văn hóa phải có tinh hoa mới có thần tượng. Người trẻ thời nào cũng vậy, họ luôn cần có những thần tượng của mình, của thời đại mình chứ không phải những người “lâu lắm rồi” thời “muôn năm cũ”.

Các ngôi sao K-Pop được giới trẻ Việt yêu thích

Chúng ta hãy nhìn lại xem những thần tượng văn hóa của người trẻ Việt Nam ở biên độ xa hơn một bậc. Từ Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy, cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng gian khổ.

Từ những Che Guevara, John Lennon, Michael Jackson... những con người của nhiều thời kỳ, từ nhiều quốc gia với nhiều biệt tài đã chinh phục các thế hệ người trẻ Việt Nam. Khi đất nước hội nhập nhiều hơn, là cả “làn sóng Hàn Quốc” khiến nhiều bạn trẻ Việt phát cuồng với các kiều nữ, “ộp pa”, hay nhẹ nhàng hơn là sự say mê hình tượng Doremon nổi tiếng của Nhật Bản...

Rầm rộ nhất phải nói là trào lưu thần tượng Hoa ngữ. Những bộ phim truyền hình Trung Quốc được chiếu liên tiếp, dày đặc trên các kênh, các đài, đặc biệt là các phim dã sử. Từ Hán Vũ Đế, Tần Thủy Hoàng, Thủy Hử, Võ Tắc Thiên, Bao Công, Truyện Thương Ưởng... đến Tam quốc diễn nghĩa, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Hoàn Châu cách cách... kéo theo bao nhiêu "thần tượng".

Việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa nước này với nước khác là hết sức bình thường thời hội nhập. Nhưng chúng ta hãy xem, có bao nhiêu đoàn nghệ thuật Việt Nam có thể tiến ra thế giới, cùng lắm, nhân dịp sự kiện nào đó, một đoàn nghệ thuật quốc doanh với những tiết mục dân tộc cải biên và những tác phẩm nhạc pop, rock... được cử đi “giao lưu”. Kết quả là do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, công chúng quốc tế phải đón nhận nghệ thuật của ta theo kiểu xã giao.

Điện ảnh cũng vậy, chỉ xuất khẩu khi tham dự liên hoan phim hoặc tuần lễ văn hóa. Bao nhiêu bài hát, bộ phim Việt Nam ghi dấu ấn trong khán giả quốc tế, hay đơn giản là được mua thương mại để phục vụ công chúng nước ngoài?

Và như vậy, chúng ta chấp nhận "nhập siêu văn hóa". Con người là nô lệ của thói quen, mưa dầm thấm lâu, các sản phẩm văn hóa ngoại nhập chi phối đời sống người trẻ. Không nói đó là nô dịch nhưng nếu nói là bất bình đẳng hẳn cũng không sai.

Văn hóa như một cái cây có cội rễ, thân cành, lá hoa… dù là cây nhỏ nhưng chúng ta cũng phải có cái gì đó của riêng mình để đóng góp vào khu vườn văn hóa của thế giới, tạo ra tiếng nói tinh hoa của riêng mình chứ.

Từ nền văn hóa vắng tinh hoa đến nhập siêu thần tượng là điều dễ hiểu. Có điều rằng, thần tượng ấy cũng là người, có gia đình riêng, đất nước riêng và những mối quan tâm riêng, rất xa rời, có khi đối lập với người Việt Nam.

Như mới đây, trong "cơn đau" tập thể, khi trên trang Weibo cá nhân nhiều sao Hoa ngữ như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh... do cập nhật những thông tin sai lệch về luật pháp quốc tế, đã lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) không công nhận "các quyền lịch sử" của Trung Quốc, một NSƯT Việt Nam đã phải lên tiếng trên trang cá nhân của mình rằng: “Các văn nghệ sĩ, các fan của những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó... hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Dân  (16/07/2016 08:35:32)
alohihi@yahoo.com
Bình luận chuẩn nên ko cần chỉnh
Mị  (16/07/2016 07:18:11)
hqr@yahoo.com
Quả này thâm nha, chẳng lẽ nói các ông không tạo ra được thần tượng nên bọn trẻ phải đi tìm thần tượng riêng của chúng, mà những thần tượng ấy cũng do các ông nhập về chứ ai. Nhưng nghĩ mà thấy a cay.
Trần Thanh Tuấn 343 Đội Cấn  (16/07/2016 12:05:16)
tuanthanhhn343@gmail.com
Mấy ngày qua, quá nhiều bạn trẻ dính "cơn đau" tập thể khi soái ca, tỉ tỉ Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Dương Mịch...phản bội họ. mấy ngày qua, nhiều người làm văn nghệ cũng đau với phát biểu của bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam ko có tinh hoa. Không có tin hoa thì lấy đâu ra thần tượng, không thể chỉ trách người trẻ được. Cách liên tưởng của Thể thao văn hóa quá độc và thâm thúy. Đây là lý do tôi vẫn mua báo. Cảm ơn báo, cảm ơn tác giả. Cố gắng phát huy.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến