(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây trên 30 năm, trong lúc vợ con đói vàng mắt nên tôi phải tính đường kiếm sống. Tôi nghiên cứu làm bưu thiếp. Không ngờ một thời gian dài, hàng làm ra không đủ bán, lúc ấy những mẫu bưu thiếp của tôi giống như cái máy in tiền.
Bạn bè có người gợi ý tôi lập công ty nhưng tôi không ham, không cần nhiều tiền lắm, mà lập công ty đương đầu với thuế vụ vông an và đủ thứ rắc rối khác để làm gì cho ốm người.
Cách đây dăm bảy năm, nghỉ hưu rồi đi núi chơi, thấy mùa rét các cháu rẻo cao thiếu thốn, tôi mang quà vặt đi tặng. Những tấm ảnh từ rẻo cao đưa lên Facebook cũng động lòng trắc ẩn.
Có người tìm địa chỉ tôi nhiều lần đề nghị gửi tiền để cho những thân phận nghèo, tôi nhận duy nhất hai trường hợp một là của cô Lưu Thủy Chung mãi bên Tiệp (Ít thôi, có 2 triệu, giờ mất liên lạc vì cô giận tôi đưa tin lên trang facebook, cô chỉ muốn âm thầm, mà tôi thì muốn minh bạch), trường hợp nữa là của hai bà cháu người Hà Nội qua đọc báo Tiền phong bài Chuyện cổ tích cầm đến nhà đưa tôi 700 ngàn, tôi đã chuyển tận tay bà lão người Mông ở Mộc Châu vào mùng Ba tết năm 2012 cùng với một triệu của cô Chung, tất cả là 1,7 triệu. Chuyến ấy có hai người bạn đồng hành cùng chứng kiến.
Sau đó rất nhiều lời đề nghị gửi áo quần và quà cáp khác. Tôi có nhận hai trường hợp của Hoàng Tuyết Hạnh ở Tiệp Khắc và Đinh Thị Châu Hương ở Sài Gòn là hai người bạn tôi rất quý trọng. Và sau lần cùng báo Thể thao & Văn hóa làm nhà cho hai gia đình đồng bào nghèo khó năm 2013 ở Đồng Văn về tôi bị đột quỵ, sức khỏe không cho phép bay lượn nên đã chấm dứt không nghĩ tới đi xa nữa, không nhận đồ để phát quà nữa.
Nhiều bạn bè có tấm lòng lắm, muốn tôi đứng ra vận động kiểu Phan Anh, tôi cũng biết nếu tôi vận động lập quỹ sẽ nhiều người ủng hộ, tôi có nhiều bạn bè yêu quý tin tưởng mình vào việc làm từ thiện.
Nhưng tôi biết mình không đủ sức kham. Với lại thời buổi nay, niềm tin cũng sứt mẻ, dân mạng bốc đồng lắm. Mới làm thì được ủng hộ, sau đó là soi, làm mà sơ sẩy là ăn gạch đá ngay kể cả người chẳng góp trinh nào cũng xông vào "chửi góp" và còn chửi ác nữa là khác.
Ở thời điểm chuyện quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung đang trở thành tâm điểm của xã hội, các nhà văn cũng đã có những chia sẻ rất thật, từ câu chuyện của cá nhân mình.
Tuổi tôi "thân cư mệnh, mệnh vô chính diệu", tự làm tự sống thì tốt, nhưng lăn vào chỗ tranh đấu dễ bị vu vạ và an đòn hội chợ mà mình thì không thể chống đỡ, nên tôi quyết không ham hố. Tuổi trẻ đã không quá ham tiền, tuổi già cũng thấy không thể làm từ thiện mà chỉ gắng làm người tử tế.
Với lại quan điểm về từ thiện tôi cũng khác người lắm. Với tôi, tin ai thì tôi đưa tiền còn không thì thôi, đưa nhầm cũng im, không đưa tiếp nữa chứ không be be lên làm gì. "Khẩu nghiệp" nặng lắm, gánh sao nổi.
Thực ra, trong đời người, không ai sống đủ bằng của từ thiện kể cả người có hoàn cảnh đặc biệt. Rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, họ cũng tìm lấy một cái nghề phù hợp chứ không thể nhờ từ thiện mà đủ sống. Chả ai có tiền đem cho mãi.
Quà từ thiện chỉ là cái trợ đỡ nhất thời nhưng ý nghĩa nhân văn của nó thì lớn vô cùng, nó làm cho con người ta gần nhau hơn quan tâm tới nhau hơn nhân ái hơn trong cùng đồng loại. Cho nên làm từ thiện sao cho đúng là khó lắm bạn ơi!
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần