Ngẫm ngợi cuối tuần: Quốc phục và thuật 'kín kín hở hở...'

Thứ Bảy, 3/10/2015, 7:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Xưa, người cầu kỳ may gấm tía, phủ ngoài lớp the có ý khiêm tốn che bớt sự khoe mẽ nhưng chính là để khoe dữ đấy. Kín kín hở hở, đó là thuật khoe giỏi nhất của người Việt.

1. Hôm trước thấy ông bạn tôi trưng hai cái áo dài kiểu xưa. Một cái màu ghi xanh xám, một cái đũi màu đen nhờ.

Bạn bảo tôi: Đi dự hội thảo về quốc phục. Hai cái này may để mặc thử cho mục sở thị. Cũng đắt phết đấy. Cái may vải đũi giá đến 8 triệu đồng.

Chưa trông thấy mặc, nhưng thoáng qua tôi cũng có cảm nhận: cái ghi xanh xám mặc vào giống hệt chú tiểu còn cái đũi đen thì chắc chắn lẫn với cha cố.

Nhưng áo này lại được mang danh cải tiến nên giá may trên trời luôn!


Minh họa: Đỗ Đức

Tôi bỗng nhớ bộ áo dài của chú tôi vào ngày lễ hội. Khăn xếp, áo lương, trong vóc thẫm ngoài có lớp the mỏng, quần ống sớ trắng. Tôi hỏi, chú bảo áo các cụ xưa thế đấy. Xưa, người cầu kỳ may gấm tía, phủ ngoài lớp the có ý khiêm tốn che bớt sự khoe mẽ nhưng chính là để khoe dữ đấy. Kín kín hở hở, đó là thuật khoe giỏi nhất của người Việt.

Lạm bàn: chẳng cần mất công bàn nát chuyện làm gì, cứ lấy cái áo lương mẫu cũ trong gấm ngoài the, quần ống sớ chúp bâu trắng ngày trước làm quốc phục là quá hoàn hảo.

Bạn đã quan sát bộ áo lương quan họ chưa? Thật không thể chê vào đâu được. Đừng phí tiền nuôi béo mấy vị dao kéo khoe thuật cải tiến chẳng hơn tiền nhân đâu!

2. Nhân đây bàn thêm mấy ý về y phục thế giới.

Người Mỹ hiến cho loài người cái quần bò, nó hoàn thiện đến mức không còn gì để bàn. Cái cà vạt của người Croatia cũng vậy. Bộ complet của người Pháp cũng không còn gì để cải tiến.

Với Việt Nam, thì bộ áo dài lụa trắng của con gái Hà thành luôn là số một. Áo dài mặc cho người ta thấy sự tinh khiết, nhẹ nhõm như có gió ở trong, kín đáo, nhưng lại rất sexy. Còn cải tiến thêu thùa hoa lá, thậm chí còn thêu cả trống đồng lên áo, làm cho tà áo dày như mo nang, cứng đờ, thì còn gì là áo dài mà khoe.

Bộ thứ hai là áo “cóm” của người Thái có thể coi là hoàn thiện. Cũng rất kín đáo, nhưng lại cũng rất sexy, khoe cơ thể. Bộ cóm cũng hoàn thiện đến mức không thể cải tiến.

Những ý kiến trên là suy nghĩ riêng của tác giả viết bài này sau khi đã nghĩ nhiều về nó.

3. Quốc phục ư? Kẻ cả bộ áo lương truyền thống của các cụ ta xưa cũng chỉ là một cắt đoạn của lịch sử thời trang, đến đoạn ấy nó hoàn thiện hơn cả, chứ xét đến cùng lấy đâu ra trang phục cổ, và tiêu chí nào là cổ, và có cái cổ còn hợp thời trong giai đoạn mới không? Nên mọi cái cũng chỉ nên tương đối.

Có những chuyện cần hội thảo bàn bạc. Có những cái không cần. Lắm hội thảo chín người mười ý, đợi hội thảo thống nhất ý kiến thì chắc chắn chẳng bao giờ quyết được gì. Thật ra chỉ 60-70% thống nhất ý kiến là tốt rồi, Đừng mong 100% như khi bầu thăm dò uy tín “sếp” đang tại chức!

Bài và minh họa: Họa sĩ Đỗ Đức

Chương  (06/10/2015 06:43:49)
chuong@gmail.com
Tôi cho rằng không nên tổ chức thăm dò lấy ý kiến vì các lý do như sau : 1. Đối tượng sử dụng các mẫu lễ phục là ai ? 2. Thông điệp mà bộ y phục hướng đến là như thế nào ? 3. Làm sao nhận diện ra văn hóa Việt nam trên bộ y phục. Tôi cho rằng chúng ta chưa tin nhau, tại vấn đề này chúng ta cần giải pháp để thực hiện và tìm ra cho được cái mà chúng ta cần, chúng ta muốn chứ không phải là phương pháp. Các vị mời các nhà khoa học, các vị a, b, c,d, e, f nhưng các vị chỉ mong rằng các giải pháp trúng ý người lãnh đạo, hoặc vị nào có trọng lượng nhất mà thôi, chứ quý vị chưa thật sự đi tìm cái hay, kết quả nghiên cứu của 1 vấn đề. Bây giờ tôi sẽ giới thiệu cách của tôi : Tất cả những gì quý vị có trong tay, quý vị quăng hết lên phương tiện truyền thông, sao đó lắng nghe trình bày, phản biện, trao đổi để hiểu. Vì Khi hiểu thì mới làm được. Quý vị không hiểu, cố tình không hiểu nên mới kéo dài như thế này. Cứ mạnh dạn làm, cứ đi thì mới thành chứ,
Nguyễn Sài Gòn  (04/10/2015 05:56:10)
nguyen@gmail.com
Thưa Họa Sỹ, Có 1 điều chắc chắn là họa sỹ không thể là nhà thiết kế y phục, họa sỹ chỉ vẽ và vẽ. Vì lẽ đó họa sỹ sẽ không bao giờ hiểu được đường nét ý nghĩa trên một bộ y áo. Chúng ta luôn trân trọng cái gì của tiền nhân để lại, nhưng chúng ta cần hiểu rằng không thể mặc 1 cái áo ở trong bảo tàng mà trong 1 xã hội đương đại. Dùng sự so sánh thì thấy rằng nếu tổ tiên ta sống đến ngày hôm nay thì tổ tiên ta sẽ mặc như thế nào. Chắc chắn rằng tổ tiên ta không thể nói câu : Cho tôi mặc lại kiểu áo mà tuổi thơ tui đã mặc . Hai phạm trù này khác nhau thưa họa sỹ. Chúng ta cần phải hiểu là giá trị của lòng tự trọng của bộ y phục cực kỳ quan trọng. Chúng ta không thể mặc như liền anh liền chị mà đi họp quốc tế được vì tính hiện đại và các trọng số ý nghĩa đường nét không có. Thật ra người tổ chức thăm dò và tư vấn thiết kế cực kỳ quan trọng, phải có học bài bản mới làm được, còn cưỡi ngựa xem hoa thì không chấp nhận được và phí thời gian cũa nhau . Xin đa tạ
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến