(Thethaovanhoa.vn) - Một người bạn tôi, anh Đỗ Thiện viết: “Nói đến Hà Nội, chắc ai cũng phải biết tới Hồ Gươm, và cùng với nó là Tháp Rùa - như một phần không thể thiếu tưởng như từ ngàn xưa.
Ít ai biết rằng ngọn tháp cổ kính này được cho là mang tâm hồn lẫn khí thiêng của người Hà Nội mới được một bá hộ xây vào năm 1886, với ý định sẽ đặt mộ bố mẹ vào trong ngọn tháp nằm trên hòn đảo giữa hồ để mong phát tài phát tướng.
Ít người để ý bên Hồ Gươm còn có một ngọn tháp cổ khác được xây trước Tháp Rùa mấy chục năm nhưng hầu như không được nhắc tới. Đó là tháp Hòa Phong, vốn nằm trong chùa Báo Ân, ngôi chùa được xây vào năm 1842 và bị Pháp phá đi vào năm 1888 để xây tòa nhà Bưu điện Hà Nội.
Nguyên nhân của cái sự nhất bên trọng nhất bên khinh này không có gì khác hơn là vị trí, hay nói một cách khác, là chỗ đứng khi nó được xây nên”.
Câu chuyện rất thật này như một ẩn dụ về cuộc sống. Một đồ vật có thể có xuất xứ rất bình thường nhưng nếu đặt đúng chỗ sáng, để ai cũng thấy, lại hợp tình, hợp cảnh nữa. Thì lâu rồi, nó cũng trở nên thân quen, thậm chí trở thành biểu tượng đẹp đẽ, thân thương.
Trong khi đó, có những giá trị thật, nếu cứ để vương vất nơi vỉa hè thì rồi cũng thành ra bình thường, thậm chí tầm thường trong con mắt của người đời.
Nguyên nhân khiến những giá trị thật bị lùi vào bóng tối không chỉ đến từ khách quan. Đấy còn do sử sách bị coi thường, môn sử trong học đường không được coi trọng đúng mức, khiến học sinh thạo sử Tàu hơn sử ta. Thế nên năm ngoái, mới xảy ra chuyện tranh cãi ầm ĩ quanh đề xuất ghép môn Sử vào môn Đạo đức - Công dân và môn An ninh - Quốc phòng.
Mà lịch sử thì không chỉ có những sự kiện và con số, mà còn có rất nhiều những câu chuyện văn hóa. Những câu chuyện ấy vẫn hiện hữu bên ta, quanh mỗi bước chân. Nó thấm đẫm vào cuộc sống của chúng ta, biến không gian vật chất chúng ta đang sống thành không gian văn hóa đúng nghĩa.
Hiểu biết lịch sử văn hóa, mỗi bước chân của chúng ta đều có thể chạm tới những giá trị "phi vật thể" của các vật thể.
Dạo quanh hồ Gươm vào ngày Cuối tuần, mấy ai để ý đến câu chuyện bạn tôi nói ở trên… Có phải cuộc đời giờ người ta ham chơi hơn ham hiểu?
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần