(Thethaovanhoa.vn) - 1. Phải khẳng định facebook không phải là thứ phù phiếm trên mạng internet. Từ làm ăn mua bán, hợp đồng, quan hệ, đến theo dõi thần tượng, thể hiện quan điểm, làm việc nhóm đều có thể qua facebook.
Facebook tích hợp được tính năng hầu hết những mạng xã hội, những công cụ làm việc khác mà trước đây những chat yahoo, mail, blog... không thể có được. Với nhiều người dùng, facebook vừa là trợ lý, là người phát ngôn, và chắc chắn nó không hề tách rời khỏi chủ tài khoản, người được ràng buộc bởi pháp luật và đạo đức.
Nhiều người đã nhận ra và hoàn toàn thích nghi với điều đó, coi đó là công cụ phục vụ ý đồ của mình. Nếu có sai là do chủ đích phớt lờ những ràng buộc mà định chế xã hội đã khoác lên cho họ. Nhưng có lẽ, phần đông chưa thích nghi với cách sống cùng facebook.
Có quá nhiều dẫn chứng mà hậu quả liên quan tới facebook gây ra là khôn lường, bởi nó cũng phong phú như cuộc sống vậy. Một nam ca sĩ sỉ vả người khác trên facebook, anh bị tẩy chay là đương nhiên, bởi thực tế, facebook không tự viết lên dòng sỉ vả đó.
Thanh niên đâm chết bạn vì bị coi thường trên facebook, cách coi thường công khai với bạn bè và người quen của họ. Nữ sinh tự tử vì bị “người yêu” sở khanh tung ảnh lên facebook. Điều dưỡng mải lướt facebook khi bệnh nhân chờ đợi bị chuyển công tác do bị chụp ảnh... up facebook.
Năm học mới bắt đầu, nổi lên chuyện ồn ào một phụ huynh chê bai caravat và đồng phục của trường. Hậu quả là sau đó con chị không còn được học tại ngôi trường đó nữa. Để rồi chị phải thừa nhận không lường trước được hậu quả khi nêu quan điểm cá nhân trên facebook: “Tôi là người mẹ ăn nói hồ đồ đến mức con bị đuổi học... Viết trên facebook không phải lời nói theo gió bay nữa, mà có sức lan tỏa mạnh, mọi người hãy cẩn trọng khi phát ngôn trên đó".
Thực tế, có nhiều cách phụ huynh phản ánh với nhà trường như gặp trực tiếp, gửi email, nhắn tin góp ý. Và nếu viết trên facebook thì hãy làm với tinh thần xây dựng, không đả kích hay “ném đá” khi bản thân không kiềm chế được.
2. Có bao nhiêu người như chị khi ngồi trước màn hình máy tính, hay cầm trên tay chiếc smartphone với “tường” facebook mà cứ nghĩ mình đang ở trước tờ giấy, muốn xả gì thỉ xả. Và rồi họ làm một việc tựa như mắng chửi ai đó mà chẳng để ý đến xung quanh đang rất đông người.
Có quá nhiều điều để nói về facebook. Xin nhớ một điều nhỏ rằng facebook ảnh hưởng khá nhiều tới cảm xúc của chúng ta. Khi ta post 1 status lên, chúng ta sẽ dành thời gian khoảng 6 -12 tiếng để theo dõi status ấy, có khi còn nhiều hơn.
Nếu ta post status tích cực, vui tươi, hài hước thì ta sẽ cảm thấy điều vui vẻ, thú vị. Nếu là status tiêu cực thì cảm giác buồn chán cũng tự nhiên dai dẳng bám theo chúng ta suốt thời gian ấy.
Hàng ngày có nhiều thứ chúng ta chọn để đưa lên facebook, hãy cố gắng chọn những gì thoải mái, mang lại cho ta cảm xúc tốt, nếu không, mấy status trên facebook sẽ có thể nhấn chìm bạn.
Những người bạn trên facebook cũng thế, họ sẽ thích những người mang lại cảm xúc tích cực. Nếu bạn suốt ngày than vãn hay mắng chửi, họ cũng chán luôn.
Facebook thật sự không ảo chút nào.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa