Muôn mặt quấy rối tình dục

Thứ Bảy, 2/6/2018, 15:50 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Vấn nạn quấy rối tình dục được ghi nhận ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng bởi những người dám tố cáo rất ít. Một phong trào nâng cao nhận thức #metoo đang được truyền thông rộng khắp trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Những nạn nhân bị quấy rối tình dục chia sẻ, ban đầu họ phải nghe những lời lẽ khiếm nhã về các bộ phận nhạy cảm. Xa hơn nữa họ bị những động chạm vào thân thể. Và đỉnh điểm của những hành vi này là họ bị cưỡng bức, hiếp dâm.

Gia tăng tình trạng quấy rối

Tình trạng quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu như: tại công sở, nơi công cộng và kể cả trường học. Nạn nhân của quấy rối tình dục có thể là bất cứ ai. Tại cuộc “Tọa đàm cập nhật bối cảnh và tiến độ xây dựng Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc", ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: "Hiện chưa có một báo cáo chính thức nào đánh giá về tình trạng quấy rối hiện nay nhưng đây là một hiện tượng có thật. Do mạng xã hội ngày càng phát triển, việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng nên số vụ quấy rối được ghi nhận ngày càng nhiều".

Được chú ý nhiều nhất là giới nghệ sĩ vốn ồn ào xung quanh chuyện đời tư nay càng được chú ý với nhiều vụ việc ca sĩ, người mẫu lên tiếng tố cáo bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, thực tế nhiều người chia sẻ đã từng bị quấy rối tình dục nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ tai tiếng.

Chú thích ảnh
Sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội trong một buổi chia sẻ về chống quấy rối tình dục nơi công sở. Ảnh: LV

Những vụ việc có thể kể đến như: Thí sinh chương trình “Trời sinh một cặp” Phạm Lịch tố ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa nhiều lần gạ gẫm và có hành vi quấy rối tình dục khi cô đến nhà luyện tập. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của dư luận và Phạm Anh Khoa đã phải xin lỗi. Một số chương trình có hình ảnh Phạm Anh Khoa đã được rút khỏi như một hình thức gián tiếp phản đối hành động của ca sĩ này. Tiếp đó là vụ việc của người mẫu khoả thân Nguyễn Thị Kim Phượng tố hoạ sĩ body painting nổi tiếng Ngô Lực dùng vũ lực khống chế hiếp dâm. Trong khi sự việc đang được công an điều tra làm rõ thì người mẫu Nguyễn Thị Kim Phượng đã bị thất nghiệp và phải nhận viện trợ từ gia đình.

Cũng trong những ngày cuối tháng 5 này, Công an Quận 12, TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Lê Văn Tuấn (sinh năm 1981, ngụ Quận 12) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Theo kết quả điều tra, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 27/3, Tuấn đi vào một trường tiểu học ở phường Tân Chánh Hiệp thì gặp cháu H (9 tuổi, ngụ Quận 12) là học sinh của trường đang ở trên lầu 2. Lấy câu chuyện làm quà bắt chuyện với bé gái, hắn dùng hai tay sờ soạng khắp cơ thể cháu bé. Chưa dừng lại, hắn xuống lầu 1 tiếp tục giở trò với 3 bé gái khác cũng với chiêu thức tương tự rồi bỏ đi.

Sau đó, những cháu bé này báo với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường đã báo nhanh cho cơ quan công an vào cuộc điều tra. Công an quận Q.12 xác định hành vi của Lê Văn Tuấn đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” nên đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với gã “yêu râu xanh” này để tiếp tục làm rõ xử lý.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thùy Linh (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) đã tố cáo tài xế grab bike có hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói đối với con gái 9 tuổi của chị. Cụ thể, ngày 16/5, nam tài xế Nguyễn Văn Hải (trú tại Tây Hồ) khi đưa con gái chị đi học về đã có những lời nói khiêu dâm như: Cháu có bao giờ nhìn thấy ngực mẹ cháu chưa? Cháu có biết mẹ cháu mặc quần trong màu gì không? Chú có thể sờ vào quần trong của cháu được không?... khiến cháu bé hoảng sợ, lo lắng. Sau khi nhận được đơn trình báo của chị Linh, công an quận Tây Hồ đã xác minh, điều tra vụ việc. Tại cơ quan điều tra, tài xế Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Theo chị Linh, hiện cháu bé vẫn sợ tiếp xúc với người lạ. Chị phải nghỉ làm để đưa đón cháu đi học thay vì đi grab bike như mọi hôm. “Cách đây 1 tháng, do phải chuyển về nhà mẹ đẻ ở nên tôi buộc phải cho con gái đi grab bike đến trường. Rất may là tôi đã dạy cháu những kiến thức phòng tránh xâm hại từ bé, nên cháu không ngần ngại chia sẻ với mẹ sự việc xảy ra với tài xế Hải. Nếu con tôi cứ im lặng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” – chị Linh thở dài.

Tuy nhiên, đây là những vụ việc được chính người trong cuộc lên tiếng và được dư luận xã hội quan tâm và cơ quan chức năng vào cuộc. Còn lại, nhiều người vẫn cho rằng đây là bí mật của riêng mình. Bởi không ai dám lên tiếng vì nhiều lý do khác nhau.

Tảng băng chìm

Bên cạnh những vụ việc được công khai, nhiều nạn nhân chưa lên tiếng vì nhiều lý do khác nhau. Bên lề một cuộc chia sẻ về Chống quấy rối tình dục nơi công sở, em Đ.X.H (sống tại Hà Nội) cho biết: “Em đã bị chính sếp của mình quấy rối nơi làm việc trong nhiều ngày. Bắt đầu ông ấy nói những câu chuyện về các bộ phận rất nhạy cảm với em. Tiếp đó, ông ấy sắp xếp những chuyến công tác mà em phải đi cùng. Cuối cùng là ép em đến cùng cực”. Nói đến đây H. không khỏi xúc động.

“Em đã bị rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên và phải uống thuốc để dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, khi chia sẻ với một số người xung quanh em lại không nhận được sự đồng cảm nên nhiều lần em muốn tự tử. Rồi em nhận ra rằng, bản thân mình phải cứu mình ra khỏi vũng lầy đó. Em buộc phải viết đơn xin thôi việc và tìm đến bác sĩ để chữa chứng trầm cảm”, H. tâm sự.

Còn N.A.M (Công tác tại một tập đoàn lớn về công nghệ ở Hà Nội) chia sẻ: “Do tính chất công việc nên tôi luôn phải tiếp xúc với những người lạ. Có trường hợp tôi nhớ mãi và luôn tự nhắc mình phải tỉnh táo tránh xa. Anh ta chính là nguồn tin của tôi và gần như tháng nào cũng phải gặp. “Lúc đầu là những lời tán tỉnh, bông đùa: “Hôm nay em mặc đẹp thế”, “Em mà chưa đến anh chưa ăn nổi”… Tiếp đó là những dịp công tác thường xuyên phải ngồi cùng mâm. Anh ta luôn tranh thủ ngồi sát, vô tình đạp chân, động tay vào tôi. Có lần, khi đến phòng hát anh ta giả lả ghé tai tôi: “Anh thực sự thích em”. Vẫn thấy tôi im lặng. Được dịp phòng hát ồn ã không ai chú ý, hắn thục tay vào mạng sườn tôi, kéo sát tôi vào hắn và chạm vào chỗ nhạy cảm của tôi. Lúc này tôi quay lại phản ứng với anh ta và vội chạy về phía khác để tìm cách rút lui”.

M. tâm sự ngay sau cuộc nhậu đó, chị bị sếp trách cứ là tiếp khách không tận tình. Chị chỉ còn cách ậm ờ kêu mệt phải về sớm. Nhưng cảm giác ghê sợ thì luôn ám ảnh.

Trường hợp chị M.L, 29 tuổi, là nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3 cho biết, chị M.L còn nhớ rất rõ cách đây 5 năm khi bắt đầu đi làm, chị được sếp nam quan tâm quá mức khiến chị M.L luôn cảm thấy khó chịu. Mặc dù, chị M.L đã chủ động giữ khoảng cách nhưng vì là sếp nên hàng ngày sếp vẫn có nhiều cử chỉ tình cảm hoặc đột xuất gọi chị vào phòng làm việc nói để bàn công việc. Tuy nhiên, bàn chuyện công việc thì ít nhưng lại nói rất nhiều lời nói khiếm nhã, tán tỉnh chị khiến chị M.L khá lo lắng.

Chị M.L tâm sự, lúc đó mình mới ra trường, vừa xin được vào làm ở một công ty có uy tín, chắc cũng do hình thức ưa nhìn nên mình đã rất nhiều lần bị sếp gạ gẫm, quấy rối. Mức nhẹ thì sếp nói trăng hoa, liếc mắt đưa tình, soi mói vào những bộ phận nhạy cảm hoặc cố tình đụng chạm vào cơ thể, thậm chí có lần còn bị bắt đi tiếp khách, uống rượu…với sếp và các đối tác. Trong một lần khi đang đi tiếp khách cùng sếp ở một nhà hàng, không biết lúc đó sếp đã say hay tỉnh mà sếp đã dồn mình vào tường để ôm và sờ soạn vào những vùng nhạy cảm. Mình sợ quá la toáng lên và bỏ chạy ra ngoài. Mặc dù, việc có những hành động khiếm nhã với nhân viên và nhiều người trong công ty cũng cảm nhận được có chuyện không bình thường giữa sếp với mình nhưng chẳng ai dám can thiệp. Ngay sau lần đó mình đã phải làm đơn xin nghỉ việc chứ không thể chịu đựng hơn các hành động tiếp theo của sếp.

Không chỉ tại công sở, trên các phương tiện công cộng cũng là nơi dễ bị quấy rối. Theo chia sẻ của học sinh Hà Nội tại các buổi tọa đàm do tổ Plan Việt Nam và Tổng công ty vận tải Hà Nội tổ chức, nhiều hình thức quấy rối ngay trên xe buýt như mỗi khi xe buýt phanh hoặc dừng lại để đón trả khách thì một số thanh niên từ phía sau lại cố tình ôm lấy cô gái bên cạnh hoặc nhân đó cố tình đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm. Các học sinh chia sẻ gặp khá nhiều “kẻ biến thái”, thường có những hành động sàm sỡ với phụ nữ và các bạn gái trẻ ngay giữa chốn đông người như trên xe buýt, trên phố, trong công viên… Tuy nhiên, không nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối tình dục được những người xung quanh bênh vực khiến những “yêu râu xanh” càng hoành hành.

Nhiều chuyên gia cho rằng những vấn đề về giới tính, công việc, môi trường làm việc khiến cho nạn nhân không dám lên tiếng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho vấn đề quấy rối tình dục như một “tảng băng chìm” hiện nay. Đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì ranh giới nói chơi, nói pha trò và nói quấy rối tình dục là vấn đề phải bàn. Người trong cuộc cần có nhận thức. Bản chất vấn đề khi có hành vi quấy rối tình dục người khác, quấy rối tình dục bằng lời và bằng hành động đều xâm phạm đời tư, ảnh hưởng đến phẩm giá của người khác. Do đó, giáo dục nhận thức từ trẻ em đến người trưởng thành về vấn đề này là cần thiết.

Bài 2: Vì sao nạn nhân không dám lên tiếng?

Quấy rối tình dục: Nhận biết và lên tiếng chặn đứng trước khi quá muộn

Quấy rối tình dục: Nhận biết và lên tiếng chặn đứng trước khi quá muộn

Gần đây, một lần nữa cụm từ “quấy rối tình dục” được truyền thông ghi nhận bằng những đơn thư tố cáo, nạn nhân chủ yếu là nữ. Vậy làm thế nào để “gọi tên” hành vi này và khi nào thì cần lên tiếng trước những hành vi này?

Nhóm PV Báo Tin tức

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến