Mừng hay lo khi tranh Việt vượt 'tuổi dậy thì'?

Thứ Ba, 4/4/2017, 6:43 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Vào 17h30 ngày 2/4 tại phiên đấu Modern and Contemporary Art của nhà Sotheby’s ở Hong Kong (Trung Quốc), tác phẩmFamily Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ đã được bán với giá 1.172.080 USD, cao gấp 3 lần giá dự kiến. Đây sẽ là cột mốc lớn trong lịch sử của mỹ thuật Việt Nam.

Theo quy ước ngầm của thị trường quốc tế, chỉ khi nào một nền mỹ thuật có tác phẩm bán từ 1 triệu USD trở lên thì nền mỹ thuật ấy mới chính thức bước qua “tuổi dậy thì” để trưởng thành. Cột mốc này như là bảo chứng đầu tiên để nhiều nhà sưu tập có thể yên tâm hơn khi bỏ số tiền lớn cho lĩnh vực được gọi là “đầu tư mạo hiểm”. Nó cũng tương tự như chỉ số tăng trưởng tích cực của chứng khoán luôn kèm theo sự thu hút việc đầu cơ.

Có câu hỏi được đặt ra: Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam khá liên tục và phong phú, chẳng lẽ chưa có một tác phẩm nào bán hơn 1 triệu USD? Nếu đi vào những giao dịch ngầm, những tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh… được bán trên 1 triệu USD là bình thường. Nhưng ở đây chỉ xét những giá trị công khai, kiểu “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”.


Tác phẩm “Family Life” (Đời sống gia đình) của Lê Phổ đã bán với mức giá hơn 1,1 triệu USD

Tình trạng dấm dúi, bịp bợm, thiếu minh bạch trong mỹ thuật Việt đã liên tục diễn ra trong hơn 30 năm qua, và chắc chắn còn kéo dài khá lâu. Tại sao vậy? Vì ở đây liên quan đến nạn tranh giả tranh nhái, liên quan đến cá độ, bài bạc, trốn thuế, lợi ích nhóm… Nói chung các tổ chức tài chính đen này không muốn và gần như không thể công khai các hoạt động buôn bán mỹ thuật của mình, nhưng lợi nhuận thì vẫn còn đó, nên càng duy trì tình trạng dấm dúi.

Cũng có câu hỏi: Giá bán cao nhất vậy là tác phẩm đẹp nhất? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vẻ đẹp thực thụ của tác phẩm và giá bán công khai trên thị trường đôi khi không song hành với nhau. Ví dụ tác phẩm có giá trị mỹ thuật tốt nhất của Lê Phổ chưa hẳn là tác phẩm có giá bán cao nhất; cũng như Family Life không phải là tác phẩm đẹp nhất của Lê Phổ. Nhiều họa sĩ suốt một thời gian dài không bán được tranh không phải vì tác phẩm họ kém nghệ thuật. Điều này cũng đúng với quy luật chung của thị trường nghệ thuật thế giới.

Thẳng thắn nhìn nhận, so với các họa sĩ thời kỳ đầu và xét trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, tác phẩm của Lê Phổ không thể ở 3-4 vị trí đầu tiên. Cho nên việc tác phẩm Lê Phổ đang dẫn đầu nên nhìn ở khía cạnh khác, nó cho thấy sự minh bạch tương đối về nguồn gốc, xuất xứ, và đã quen mặt tại các phiên đấu giá quốc tế. Trong khi các họa sĩ tài năng khác ở trong nước thì bị nạn tranh giả tranh nhái làm mất niềm tin, nên khó thu hút người mua, dù giá trị nghệ thuật có thể cao hơn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mua nghệ thuật giá cao là một cách “khẳng định đẳng cấp”, một cách “đổi tiền ăn lãi suất hấp dẫn”, chứ chưa hẳn vì giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Cho nên, việc Lê Phổ giúp tranh Việt vượt “tuổi dậy thì” là nên mừng hay lo?

Mừng là từ nay vị thế của tranh Việt nói chung bớt lép vế, thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Còn lo thì rất nhiều, bởi nạn tranh giả tranh nhái và tình trạng dấm dúi sẽ nương vào đây phá nát thị trường và niềm tin nhiều hơn nữa.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến