(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội lại đang “nóng” vì bikini. Chúng ta đang nói tới câu chuyện của một nhà hàng tại quận Cầu Giấy. Hiện tại, mạng internet đang tràn ngập hàng chục bức ảnh về đội ngũ những cô gái trẻ, mặc bikini, tung tăng phục vụ thực khách tại nhà hàng này.
Đáng chú ý, chỉ mấy ngày trước đó, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội vừa ký
quyết định xử phạt 40 triệu đồng với một cửa hàng điện máy cũng vì liên quan tới… loại áo tắm 2 mảnh nổi tiếng này.
Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống, lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là những lý do được Sở đưa ra cho mức phạt của mình. Đáng nói, mức phạt này cũng là “kịch trần”, nếu xét theo các nghị định về xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo.
Sự thực, một thời gian dài, cụm từ “trái thuần phong mỹ tục” vẫn thường xuyên được ngành quản lý nhắc tới trong rắc rối liên quan tới trang phục. Nhưng, bỏ qua những mặc định về từ ngữ, người viết lại có một băn khoăn nhỏ về việc xã hội chúng ta đã sử dụng bikini… đúng cách chưa?
Hình ảnh nhân viên mặc bikini tại một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội
Giữa năm ngoái, một câu chuyện về bikini cũng đã từng được dư luận quan tâm, dù diễn ra theo chiều ngược lại. Đó là câu hỏi của lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng về việc thành lập những bãi tắm riêng để phục vụ cho những du khách mặc bikini. Xa hơn, việc xây dựng các quy định để khuyến khích nữ du khách mặc loại áo tắm này khi xuống biển cũng được nhắc tới.
Chỉ là thảo luận (thay vì vội “ép” du khách mặc bikini khi tắm biển như nhiều người hiểu lầm), nhưng điều thú vị là nhiều ý kiến lại nhắc tới phần tích cực trong ý tưởng có vẻ khó khả thi này. Bởi không chỉ ở Đà Nẵng, tại nhiều bãi biển khác vẫn đang tồn tại tình trạng du khách mặc quần cộc, áo may ô và thậm chí cả đồ ngủ để bước vào bãi tắm.
Như nhận xét của một số chuyên gia du lịch khi ấy, các bãi biển nước ngoài có thể không đẹp bằng Việt Nam nhưng vẫn có không khí và cả sự bắt mắt riêng khi hết thảy du khách đều xuống tắm trong trang phục “đúng điệu”.
Ngược lại, với sự thoải mái của chúng ta, việc lộn xộn bận đồ ngủ, áo cộc và đôi khi cả quần dài, sơ mi ra bãi tắm lại ít nhiều tạo nên cảm giác nhếch nhác, xô bồ. Chưa kể, có trường hợp, việc sử dụng bừa bãi quần ngắn, áo mỏng lại gây nên những cảnh dở khóc dở cười cho chị em vì sự thiếu “chuyên dụng” ở môi trường dưới nước.
Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội cùng Hội đồng thẩm định đưa ra mức phạt 40 triệu đồng với siêu thị điện máy Trần Anh vì được cho là đã dùng các cô gái trẻ mặc bikini để quảng cáo sản phẩm.
Có nghĩa, tắm biển thì cũng nên có “văn hóa” tắm biển. Và theo một cách nào đấy, chúng ta cũng chưa chuyên nghiệp lắm trong vấn đề này - để rồi việc ý tưởng khuyến khích sử dụng bikini tại bãi biển phải được đặt ra.
Trở lại câu chuyện của những bộ bikini tại quán ăn quận Cầu Giấy và siêu thị điện máy. Không ai quy chụp bộ trang phục này là một cái gì đó thiếu văn hóa và phản cảm. Thế nhưng, khi không đặt trong một không gian đặc thù như bãi biển, việc sử dụng những bộ trang phục ấy sẽ có tác động gì tích cực, ngoài việc tạo cảm giác “no mắt” cho những khách hàng là nam giới?
Bởi, dù cố gắng liên tưởng, người viết cũng khó tìm thấy sự liên quan giữa những bộ bikini với mức giá hợp lý và chất lượng của món ăn hay đồ uống tại nhà hàng, cũng như chính sách hậu mãi cho những sản phẩm điện máy tại siêu thị.
Chẳng lẽ, trong khi tiếp tục mặc quần áo ngủ để xuống biển tắm, thì nhiều nơi sẽ lại chỉ biết lạm dụng bikini để bán những sản phẩm không liên quan gì.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa