Lỗ Tấn cũng thất kinh với “thuốc thịt người”

Thứ Năm, 10/5/2012, 15:5 (GMT+7)
(TT&VH) - 1. Không cần phải bàn thì người ta cũng thấy rằng Trung Quốc xưa kia có một nền y thuật thâm hậu, với những thần y chữa bách bệnh như thần Hoa Đà, Biển Thước, Lý Thời Trân… Đến nỗi bây giờ, các phố ở Hà Nội, TP.HCM nhan nhản các phòng khám mang danh Đông y Trung Quốc. Đó là một cách “nhập khẩu” y thuật hay của nước láng giềng cận kề sát nách ta, biết đâu nhiều bác sĩ của ta lại tiếp thu được các tinh hoa y học nước bạn.

Nhưng có một thứ “y thuật” chất dân gian mà Lỗ Tấn miêu tả trong truyện “Thuốc” của ông khiến tôi cứ bị ám ảnh mãi. Văn hào lỗi lạc của Trung Quốc kể về cái tục trước kia cho rằng máu người có thể trị được bệnh lao. Mỗi khi có tù bị chém, thường có người đến mua những chiếc bánh bao mà tên đao phủ đã tẩm máu đưa về cho người bệnh ăn.

Gia đình lão Hoa Thuyên có đứa con trai “mười đời độc đinh” bị bệnh ho lao. Một đêm mùa thu gần về sáng, Lão Hoa đem số tiền vợ chồng dành dụm được ra pháp trường, gặp đao phủ mua một cái bánh tẩm máu tử tù về cho thằng Thuyên, con trai lão ăn để chữa bệnh lao.

Tôi cứ nhớ mãi đoạn lão gặp tên đao phủ để mua “thuốc”: “Hắn xòe về phía lão một bàn tay to tướng, tay kia cầm một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt. Lão vội vàng móc gói bạc trong túi ra, run run đưa cho hắn, nhưng lại ngại không dám cầm chiếc bánh. Hắn sốt ruột, nói to: Sợ cái gì? Sao không cầm lấy?”.

Chiếc bánh bao tẩm máu người là đỉnh cao của những phương thuốc mới nghe đã sởn gai ốc. Nhưng dù sao nó cũng chỉ là hình tượng văn học, có ý nghĩa ẩn dụ, song giờ đây có vẻ nó chưa ăn nhằm gì so với những phát hiện về một loại “thuốc” mới đây.

2. Báo chí Hàn Quốc đưa tin từ tháng 8/2011 hải quan Hàn Quốc đã ngăn chặn tới 35 vụ buôn lậu thuốc làm từ thịt trẻ em tán bột và cho rằng chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Họ đã tịch thu 17.451 viên được cất giấu trong hành lý của du khách hoặc chuyển qua đường bưu điện. Nhiều người cho rằng, loại thuốc này có khả năng trị bách bệnh và tăng cường sinh lực. Cơ quan Giám định pháp y quốc gia Hàn Quốc đã kiểm định, cho thấy 99,7% thành phần trong viên thuốc tương ứng với ADN của người.

Có nhiều thông tin khác nhau về thứ thuốc “thịt người” này. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng đó chỉ là những mẩu nhau thai được lấy từ các bệnh viện phụ sản, mà theo y học cổ truyền, đó cũng là những vị thuốc chữa bệnh. Nhưng một đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đã mất công điều tra công nghệ làm thuốc kinh hoàng này. Những người trực tiếp chế thuốc dường như không có cảm giác ghê tay. Họ cắt nhỏ từng xác thai nhi ra thành từng mảnh, sau đó đưa vào lò vi sóng sấy khô. Khi những lớp da và thịt đã khô cong, những miếng nhỏ này được đưa ra, bỏ vào máy nghiền, hoặc máy đập để tán nhỏ thành bột. Sau đó, chất bột này được trộn đều với các loại thảo dược theo tỷ lệ vừa đủ để đóng thành viên nang hòng che giấu thành phần thực sự của nó với mục đích đánh lừa các nhà điều tra y tế và các nhân viên hải quan.

Nếu đúng vậy thì không hiểu, người uống những viên thuốc này có cảm giác như thế nào? Nếu Lỗ Tấn có sống lại cũng chào thua kinh hãi, dù “thuốc” của ông đã ám ảnh bao thế hệ người đọc nó.

Nguyễn Gia

Ngăn chặn “thuốc thịt người” thâm nhập vào Việt Nam

Trước thông tin về việc Hải quan Hàn Quốc phát hiện và tịch thu hàng ngàn viên sản phẩm “thuốc thịt người” có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày hôm qua 9/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Cục Quản lý Dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành sản phẩm “thuốc thịt người” nêu trên tại Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Mạnh Cường

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến