(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi các chương trình giải trí trên truyền hình manh nha và bùng nổ, HTV có một động thái được xem là “ngược trào lưu”. Đó là không làm các chương trình giải trí. Kể cả khi diễn ra cuộc “cạnh tranh” giữa HTV và VTV mà phần thắng nghiêng về HTV.
Năm 2004 và 2006, tuy Sao Mai - Điểm hẹn (VTV) thành công vang dội nhưng cũng không thể so sánh với Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol) 2007 của HTV. Nhưng năm 2008, Vietnam Idol lại “lên bờ xuống ruộng”, đến giờ cuối mới được phép thực hiện chương trình và năm 2009 thì chương trình này dừng hẳn (từ năm 2010 đến 2016, Vietnam Idol phát sóng trên VTV).
Một điểm khác cho thấy sự “từ biệt” chương trình giải trí, đó là HTV “dị ứng” với các từ “ngôi sao”, “thần tượng” nằm trong tên của các chương trình. Chương trình Ngôi sao vọng cổ truyền hình được đổi thành Chuông vàng vọng cổ truyền hình (2007); Ngôi sao tiếng hát truyền hình được đổi đổi thành Tiếng hát truyền hình (2012). Và cũng trong năm 2012, chương trình Album vàng của HTV dừng hẳn, dù chương trình này cũng thu hút khá đông khán giả.
Việc HTV từ bỏ các chương trình giải trí vốn nhiều xô bồ, thị phi và scandal để tập trung vào nội dung tuyên truyền, giáo dục… được xem là một động thái tích cực.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, HTV bắt đầu phát triển các chương trình giải trí. Thời điểm hiện nay (khảo sát lịch truyền hình từ ngày 4 đến 10/12/2017), nếu so với 2 “đại gia” thực hiện chương trình giải trí khác là Truyền hình Vĩnh Long và VTV, thì HTV là vô địch.
Trên kênh VTV3 mỗi tuần có 5 chương trình (từ thứ Tư đến Chủ nhật, mỗi đêm 1 chương trình); trên Truyền hình Vĩnh Long 1, mỗi tuần có 7 chương trình (đêm nào cũng có); nhưng trên HTV7 dù chỉ thực hiện 6 ngày trong tuần, nhưng thứ Bảy và Chủ nhật mỗi đêm có 2 chương trình nên tổng cộng có đến 8 chương trình mỗi tuần.
Có thể kể các chương trình giải trí trên HTV7 hiện nay là: Sau ánh hào quang (21h thứ Hai), Thách thức danh hài (20h30 thứ Tư), Quý cô hoàn hảo (21h30 thứ Năm), Đường đến danh ca vọng cổ (20h30 thứ Sáu), Giọng ải giọng ai và Quý ông hoàn hảo (19h và 22h thứ Bảy), Sàn đấu ca từ và Kỳ tài thách đấu (19h và 20h30 Chủ nhật).
Nói như thế để thấy rằng, HTV từ thái cực “nói không” với chương trình giải trí, giờ đã trở thành đơn vị thực hiện rất nhiều chương trình giải trí trong tuần.
Điều đáng nói là các chương trình này hầu hết do các nhà sản xuất hợp tác với nhà đài. Vì vậy, việc hút khách để kinh doanh được xem là mục tiêu đầu tiên. Những chương trình hợp tác dạng này, không những HTV mà một số đài truyền hình khác cũng lâm vào trường hợp tương tự, đó là vai trò mờ nhạt của đài truyền hình trong việc duyệt và định hướng nội dung vì nhiều lý do khác nhau. Hay nói cách khác, trách nhiệm của đài truyền hình đối với hoạt động giải trí rầm rộ này chưa thật sự đầy đủ, nhất là khi các chương trình giải trí dày dặc.
Một vài chương trình giải trí đã có hiện tượng đi “quá đà”, đôi lúc rất vô bổ và… nhảm nhí, như chương trình Quý ông hoàn hào đang phát sóng trên HTV7 - các chàng trai dùng… mông của mình nhấp nhổm để vừa bơm bong bóng, vừa vẽ tranh. Hoặc chương trình Sau ánh hào quang với những câu chuyện đời tư thiếu nhân văn, thiếu kiểm chứng, mà đỉnh điểm là vụ việc của 2 nghệ sĩ Lê Giang - Duy Phương, làm sôi sùng sục công luận từ đầu tuần đến nay.
Điều đáng nói là trong những vụ việc ồn ào như thế này, các “ông” truyền hình thường lặn mất tăm, không có một lời giải thích trước công luận. Một hành động được xem là thiếu “văn minh” trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Hiện nay, công luận chỉ biết rằng nhà sản xuất chương trình Sau ánh hào quang đã gỡ bỏ tập 10 của chương trình này theo “lệnh” của HTV, còn HTV thì vẫn chưa có phát ngôn gì chính thức.
Sau những chia sẻ ồn ào của nữ nghệ sĩ Lê Giang trong chương trình Sau ánh hào quang về việc bị chồng cũ đánh đập, gia đình tan nát, bị tẩy chay, phải uống thuốc ngủ tự tử... khiến công chúng bất ngờ về hình ảnh của nghệ sĩ Duy Phương và có những bình luận trái chiều.
Hải Long