(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 29/9, khi đến dự buổi trao giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần thứ nhất, tôi may mắn gặp được tất cả những gương mặt được vinh danh trong trong mùa giải năm nay. Trẻ có, già có. Có người đang sống ở Hà Nội như cháu Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi), có người ở TP.HCM như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Có tác giả Cao Khải An mới 12 tuổi vừa đi xe đò từ Cà Mau lên TP.HCM rồi cùng mẹ - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - đáp chuyến bay ra Hà Nội lúc trưa, rồi từ Kiên Giang, thầy giáo Nguyễn Chí Ngoan, tác giả “Mộng giang hồ”, cũng có mặt… Và rất đông những nhà văn, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ đã và đang sáng tác cho thiếu nhi cũng đến dự.
“Tôi tin, chú Dế Mèn đáng nhớ năm nay sẽ đồng hành mãi cùng Chung Anh, cho tới khi em trở thành một đồng nghiệp của tôi trong tương lai” - họa sĩ “thần đồng” Thành Chương đã gửi gắm như vậy khi trao giải cho họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi). Có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ trong lần trao giải thưởng Dế Mèn đầu tiên. Bởi, như nhận xét của những người trong cuộc, trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành, và trong bất cứ một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.
Lễ trao giải thưởng Dế Mèn là một ngày hội của tuổi thơ thật sự ấm áp, ý nghĩa trong bối cảnh vẫn đảm bảo nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 trong những ngày Tết Trung Thu 2020 đã gõ cửa.
Gặp gỡ, lắng nghe và trò chuyện, để rồi, khi rời khỏi những xôn xao ấy, điều lắng lại trong tôi đó là tinh thần hiệp sĩ của giải thưởng, là khát vọng đẹp đẽ mang tên “Dế Mèn”.
Trước hết, tôi muốn dừng lại đôi chút để nói lại một điều không mới, một điều nhiều người có thể đã biết, đã nhận ra, nhưng lại chưa thấy sự “xoay trục”. Ấy là lâu nay, chúng ta vô tình tạo ra một lỗ hổng, một khoảng trống về các sáng tác cho thiếu nhi. Văn học còn đỡ, chứ âm nhạc, phim hoạt hình, kịch, hội họa, sân khấu, điện ảnh… thì càng đáng rung lên hồi chuông cảnh báo.
Thế nên, việc báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khởi xướng và tổ chức giải thưởng Dế Mèn hằng năm, bắt đầu từ năm nay, phải khẳng định là một việc làm đúng đắn. Rất tự thân và tự nhiên, việc làm đó đã mang một tinh thần hiệp sĩ.
Một điều khiến nhiều người thích thú là giải thưởng này không chỉ đón nhận, chờ đợi, kỳ vọng vào những tác giả gửi tác phẩm mới tới tham dự, mà còn rà soát, tìm kiếm các tác phẩm đã công bố trong thời gian quy định để xem/nghe/đọc rồi chấm chọn vinh danh. Chính vế sau ấy đã tạo thêm sự khách quan, độc lập cho giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, tạo sự quyến rũ với nhiều người. Bởi lâu nay, nhiều văn nghệ sĩ quan niệm, việc của mình là viết, là tạo ra tác phẩm, việc phải ngồi xuống làm đơn hay làm hồ sơ gửi đi “nó cứ làm sao ấy”.
Tinh thần hiệp sĩ của giải Dế Mèn có vẻ như đã lan tỏa tới với mọi người. Và tôi nhận ra, những khuôn mặt được vinh danh năm nay ai nấy đều hội tụ và sẵn sàng lan tỏa tinh thần hiệp sĩ ấy.
Một Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn, tác giả của tập truyện “Làm bạn với bầu trời” bước lên bục nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn xúc động nói rằng, ông vui khi biết tin được trao giải Hiệp sĩ, song điều khiến ông xúc động là được chứng kiến một giải thưởng cho thiếu nhi, ở tất cả các lĩnh vực. Và không một phút đắn đo, Hiệp sĩ Dế mèn Nguyễn Nhật Ánh tuyên bố xin tặng lại giá trị hiện vật của giải thưởng để năm sau BTC trao giải thưởng to hơn, hoặc tìm kiếm, trao tặng cho những “thần đồng” sắp xuất hiện, những tài năng “vượt khó”.
Một Thành Chương - họa sĩ hàng đầu, tác giả của chú Dế mèn được chọn làm logo của giải thưởng đã dành nhiều thời gian cũng như tài năng của mình để hoàn thành bức tranh sơn mài “Hiệp sĩ Dế Mèn” kịp gửi tới BTC để triển lãm, đấu giá, chung tay đóng góp cho Giải Dế Mèn.
Một Nguyễn Quang Thiều - nhà thơ mang tinh thần hiệp sĩ khi ông xin rút khỏi giải Hiệp sĩ Dế Mèn vì mình là thành viên BGK để mong giải thưởng năm đầu được trọn vẹn hơn, dù tác phẩm “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” xứng đáng được vinh danh trong mùa giải đầu tiên.
Và còn một Nguyễn Văn Chung - nhạc sĩ, cũng từ TP.HCM ra nhận giải thưởng Khát vọng Dế Mèn với những cuốn sách và đĩa nhạc để tặng các em thiếu nhi…
Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng, nhưng chưa khi nào thấy ấm áp như buổi trao giải hôm qua. Ở đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Giám khảo ở lại đến những phút sau cuối để động viên, khích lệ những tài năng mới. Họa sĩ Thành Chương gửi gắm kỳ vọng vào họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh, mong cháu tiếp tục vẽ và sớm trở thành một họa sĩ thực thụ, đồng thời ông cũng cài đặt niềm hy vọng vào một thế hệ cầm cọ mới…
Một mùa giải mới đã khép lại, gọi tên đẩy đủ “Hiệp sĩ Dế Mèn” và “Khát vọng Dế Mèn” ở các lĩnh vực văn chương, âm nhạc, hội họa. Tôi tin, tinh thần hiệp sĩ và khát vọng cống hiến ấy tiếp tục lan tỏa, để năm 2021, Giải thưởng Dế Mèn lại tiếp tục xướng tên những gương mặt mới, để đời sống văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi luôn sôi động bởi những giá trị “made in Việt Nam”.
Nguyễn Thanh Bình