Không phải giàu có vì bỏ Tết Âm lịch đâu, đừng ngây thơ như thế

Thứ Hai, 6/2/2017, 6:50 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trên mạng xã hội, những ngày giáp Tết rộ lên dư luận đòi bỏ Tết Âm lịch, chỉ Tết Dương lịch thôi. Phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi, có người được đào tạo từ Tây về mang theo ánh sáng văn hóa Âu châu như một điểm tì vững chắc và rất tự tin.

Họ viện lý do nước Nhật, Nhật Hoàng đã dũng cảm làm cái việc rũ bỏ Tết Âm lịch làm cho đất nước họ trở nên giàu có. Có người hăng hái lên án cái Tết ta nghỉ dài, lãng phí thì giờ và tiền của, làm đất nước nghèo đi. Những ý kiến đưa ra với một lý sự đơn giản như đúng rồi…

Cuộc sống thật ra đâu có đơn giản như vậy? Nếu chỉ bỏ cái Tết mà đất nước giàu có thì tôi chắc Tết Âm lịch bị bỏ lâu rồi, không đợi đến ý kiến các bạn.

Các bạn chắc ai cũng biết Thế chiến II, trục phát xít Đức - Ý - Nhật khuấy đảo thế giới thì khi đó người Nhật đã chế tạo được máy bay, tàu chiến, xe tăng, súng ống… Họ đã có hẳn một nền công nghiệp quân sự tiên tiến cho bộ máy chiến tranh. Khi đó ta chỉ mã tấu, tầm vông giáo mác. Khá lắm thì có khẩu súng kíp. Về khoa học, họ đã là cây cao bóng cả, ta chỉ là đám cỏ may lúp xúp, chẳng có gì để sánh.

Kết thúc chiến tranh trên đống tro tàn, xây dựng lại đất nước họ đã mau chóng hồi sinh với lực lượng lãnh đạo ưu tú, dù không có ODA, nhưng bộ máy quản lý đất nước thực sự có hiệu quả đã làm nên kỳ tích về tái kiến thiết sau chiến tranh.

Tất nhiên, thành quả ấy còn thêm nhiều yếu tố khác góp vào, nhưng cơ bản vẫn là con người và trí tuệ được tận dụng để tự tin đi đúng một hướng nhằm đạt được hiệu quả cao.

Không phải họ giàu có vì bỏ Tết Âm lịch đâu, đừng ngây thơ như thế.

Người Trung Quốc vẫn ăn Tết Âm lịch như ta, nhưng 30 năm qua họ vẫn tăng trưởng chóng mặt với sự mở cửa có hiệu quả.

Tôi cho rằng rồi đây các thế hệ tiếp sau chúng ta sẽ có sự lựa chọn lấy một cái Tết trong năm, nếu thấy điều đó là cần thiết. Nó sẽ là nhận thức và bước chuyển biến sẽ là tự nguyện. Khi cả xã hội gần nhau về nhận thức cái gì cần giữ, cái gì cần thay thì sự đổi thay sẽ dần diễn ra. Đó là quy luật, bất kể sự chống đối! Thời đại nào, văn hóa ấy, sẽ có kế thừa và có phát sinh các yếu tố mới từ cuộc sống mới đó. Nó không thể bị áp đặt, hoặc cũng không thể chỉ là sự mong muốn chủ quan khi chẳng có chỗ tì dựa nào.

Tết Âm lịch là một giá trị văn hóa hình thành từ lâu đời và có thử thách qua thời gian. Việt Nam một thời nông nghiệp chiếm trên 90% nền kinh tế thì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là có cái lý của nó. Tháng ấy lúa mới đứng chân, chưa phải cào cỏ, người nông dân tranh thủ xả hơi để bước vào vụ Hè nóng nực. Bây giờ sản xuất nông nghiệp đã giảm xuống, nhưng nông nghiệp vẫn là ưu thế…

Bước sang giai đoạn mới, sự chuyển hóa đó sẽ có nhưng không phải ngay tức thời theo mong muốn của một số người “cấp tiến”. Việc thay đổi sẽ liên quan đến từ giáo dục, văn hóa, phương thức sản xuất mới định hình… tất cả những yếu tố đó còn đang trong giai đoạn dò tìm mà hướng ra chưa rõ ràng thì việc đổi thay cái Tết chưa thể xảy ra ngay được!

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Anh 2  (06/02/2017 05:35:29)
tolive.tofight21@gmail.com
Bảo thủ, trì trệ, bám víu những khuôn thước cũ rích, không dám thử những điều mới mẻ. Tôi ủng hộ gộp tết, chả phải bởi học tây tàu, không những gộp tết mà nên bỏ bớt lễ hội và các ngày 'kỷ niệm' mà vin vào đó để nảy sinh thói biếng lười. Một đất nước nghèo thì cần phải chăm chỉ như... trâu bò thì mới sống được, bớt nghèo được. Thế thôi.
BBQ  (06/02/2017 12:08:33)
thanhminh88@yahoo.com
Tết"âm lịch"là sản phẩm của một tín ngưỡng nếu xét về góc độ văn hóa-tín ngưỡng.Chúng ta,có thể nói từ thời các Vua Hùng đều ảnh hưởng tín ngưỡng Phật giáo và lịch theo mặt Trăng.Sau thời Bắc thuộc một ngàn năm thì nước Việt hoàn toàn theo Phật giáo.NHẬT BẢN không theo tín ngưỡng nào mà là họ THỜ THẦN.Cho nên khi bị ảnh hưởng Phật giáo từ Trung Quốc như một sự áp đặt và họ cố tách khỏi ảnh hưởng này.Nói thật,những ai đưa ý tưởng bỏ Tết Cổ truyền thì không đủ trình để nói và giữ những vị trí trong công tác văn hóa cho đất nước.
Lê Cao Đài  (06/02/2017 09:32:55)
ai2lecaodai.dateh@gmail.com
Tết âm lịch - Tết Nguyên đán của Người Việt, là Văn hoá của người Việt và cũng là Tâm Linh của người Việt. Bỏ tết âm lịch - đó không phải là suy nghĩ của con người Việt Nam chúng ta; điều đó chứng minh rõ nhất ở truyền thống, phong tục, tập quán của Dân Tộc Việt; càng thể hiện rõ hơn ở những Người xa quê vào chiều 30 tết và lúc Giao thừa...
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến