(Thethaovanhoa.vn) - Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL vào chiều qua 5/6 tại kỳ họp thứ 7, khóa XIV diễn ra với một loạt vấn đề nóng. Và giữa một rừng thông tin ấy, những gì Bộ trưởng nói về du lịch biển chỉ kéo dài vài phút đồng hồ.
Trả lời chất vấn trong phiên họp ngày 5/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng” được đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có các nội dung liên quan đến taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Vậy nhưng, câu chuyện ấy không hề nhỏ, khi những gì mà người đứng đầu ngành văn hóa và du lịch lại gắn với thực trạng của rất nhiều bãi biển trên toàn quốc- cũng như một lượng lớn người dân bản địa đang sống tại đây.
Cụ thể, khi đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi về thực trạng, định hướng chiến lược và các giải pháp để phát triển bền vững du lịch biển đảo Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có nhắc tới vấn đề quy hoạch du lịch biển.
“Phải tiến hành thật tốt việc này. Nếu không, môi trường biển của chúng ta sẽ bị phá vỡ, đồng thời tài nguyên du lịch biển bị tổn hại. Nhiều bãi biển đã xảy ra hiện tượng ấy” - Bộ trưởng cho biết. Và ông cũng chia sẻ thêm, việc phát triển du lịch biển phải gắn với vấn đề dân sinh, cụ thể là lưu tâm tới phát triển bền vững, tới sinh kế của những người dân ven biển. Đặc biệt, đây là “vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao, dân trí chưa bằng được những nơi khác.”
***
Cần nhắc lại, nhận định của Bộ trưởng được đưa ra trong thời điểm, chỉ mươi ngày trước, Bộ VH, TT&DL vừa có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra và xử lý các vi phạm (nếu có) tại vịnh Hạ Long, sau khi dư luận nhắc tới việc vùng lõi của Di sản Thế giới này đang bị nhiều doanh nghiệp lấn chiếm để xây dựng công trình trái phép.
Xa hơn, tình trạng ấy không chỉ diễn ra tại Hạ Long. Ở hàng loạt đô thị biển khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, dư luận và các chuyên gia cũng nhiều lần phải lên tiếng về sự xuất hiện ồ ạt của những dự án lấn biển, hoặc “băm nát” đường bờ biển để giao đất cho nhà đầu tư xây dựng.
Không có gì lạ về tình trạng ấy, khi mà các số liệu được dẫn tại phiên họp chiều 5/6 cho thấy: Du lịch biển đang chiếm tới 70% số khách và 60% doanh thu trong ngành du lịch hiện nay - cũng như chắc chắn sẽ trở thành mũi nhọn số một trong lĩnh vực kinh doanh này. Và, việc thiếu kinh nghiệm, chạy theo tốc độ phát triển nóng ấy đã bắt đầu khiến người ta lo ngại về tính bền vững của nó - khi mà yếu tố sinh thái tự nhiên đang là xu hướng chính trong du lịch hiện đại.
Cần nhắc lại, dù việc lấn biển khá phổ biến tại các quốc gia phát triển, nhưng chính những chuyên gia quốc tế cũng nhiều lần cảnh báo Việt Nam: Đó chỉ là cách làm của quá khứ, và cũng chỉ được triển khai tại những khu vực vùng bờ biển xấu, không có tiềm năng về du lịch. Ngược lại, để có thêm vài chục ha đất dịch vụ, tư duy tự làm hẹp biển, biến cảnh quan tự nhiên thành cảnh quan nhân tạo là điều lãng phí và đáng tiếc vô cùng.
Cũng như, việc mở những con đường chạy dọc bãi biển và cho phép nhà đầu tư “thuê đứt” phần bờ biển phía ngoài chỉ là cách làm theo kiểu… ăn xổi. Nếu những con đường vuông góc được mở để tiếp cận với bờ biển một cách dễ dàng, chắc chắn sức hấp dẫn từ bờ biển sẽ lan tỏa vào sâu và “vực dậy” cả một vùng đất bằng dịch vụ du lịch.
***
Thói quen “ăn xổi” tất nhiên luôn dễ hơn một chiến lược phát triển lâu dài. Cũng như, tư duy đền bù để di dời cư dân tại những khu đất ven biển và giao cho nhà đầu tư sẽ hấp dẫn hơn những câu hỏi về việc tìm ra mô hình tổ chức hợp lý để biến những người dân nghèo ấy - với nếp sống, kinh nghiệm và tập quán của mình - thành một nguồn tài nguyên bản địa và tạo nên cá tính riêng của mỗi vùng du lịch.
Nhưng, khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mới, chúng ta cũng tới lúc phải lựa chọn để tìm kiếm một giải pháp phát triển dài hơi và bền vững cho mình.
Hãy hi vọng, rằng những chia sẻ tại Quốc hội vào chiều qua sẽ không bị trôi đi theo thời gian.
Sơn Tùng