(Thethaovanhoa.vn) - Phật hay thần linh, hay đấng tối cao nào đó là những bậc đáng kính, với nhân cách và trí tuệ hơn người, đáng lẽ ra những người đi đến lễ hội là để học hỏi nhân cách và đạo đức của những vị ấy, làm thăng hoa đời sống tâm hồn mình, nhưng họ đã không làm như vậy…
Hàng năm, cứ vào mùa Xuân là dân ta tổ chức lễ hội truyền thống. Những lễ hội này có từ thời xa xưa và nhỏ lẻ. Và rồi đã bị lãng quên vào những năm tháng chiến tranh và sau ngày giải phóng. Thế rồi vài thập kỷ qua, khi kinh tế phát triền, các lễ hội đã hình thành trở lại.
Ban đầu tổ chức cũng nho nhỏ thôi, sau đó cứ to dần lên, lớn dần lên, quy mô hơn để đáp ứng ngày càng tăng sự hiếu kỳ của người đi lễ hội. Đặc biệt lễ hội nào cũng có phần “ban phát lộc may” cho người dự lễ, lấy đó làm “điểm nhấn” và “câu khách” để người đi dự hội ngày càng đông.
Điều đáng nói là ngày càng nhiều người có tư tưởng đi lễ hội, chùa chiền, đình, đền là để cầu may, cầu phát tài, cầu hạnh phúc… một ước nguyện chính đáng biến thành không chính đáng, cũng bởi lòng tham mà ra.
Từ đó có sự cúng bái lễ vật và đặt niềm tin vào khay lễ, hễ lễ vật càng nhiều thì cầu mới thành quả, thần thánh, Phật mới ban phát cho mình. Nhét tiền vào tay, vào miệng thần linh, linh vật với suy nghĩ làm vậy thần linh mới ban phát theo ý cầu nguyện của mình v.v… và sau khi cầu nguyện xong, lòng tham bắt đầu bộc phát ngay, thu kết quả ngay bằng cách hái lộc, lượm lộc, đến cướp lộc… mà lộc ở chùa chiền, lễ hội là những trái cây, lá cành, là tờ giấy, là phong bì vài ngàn tiền lẻ, hay là mảnh vải, cờ phướng, thanh tre… chỉ có vậy mà tranh giành nhau, có khi dẫn tới ẩu đả. Người cướp được thì mãn nguyện, kẻ không được thì chửi bới, giành giật, dẫn đến đánh đấm.
Tranh giành lộc tại lễ hội chùa Hương. Ảnh: Võ Hải
Dần dà biến lễ hội là nơi tranh giành “tài sản lộc” xuất phát từ lòng tham mà ra. Người tổ chức, có phần lợi dụng kích thích người đi lễ bằng việc ban phát lộc. Không ai đứng ra tuyên truyền chấn chỉnh lòng tham ấy, để cho dân cứ ngộ nhận cướp được lộc là lộc vô đầy nhà, lộc ở đây là gì, chỉ là tiền. Vâng! Chỉ có suy nghĩ về tiền người ta mới tham như thế!
Họ đâu biết rằng, hiểu rằng Phật hay thần linh, hay đấng tối cao nào đó là những bậc đáng kính, với nhân cách và trí tuệ hơn người, đáng lẽ ra những người đi đến là để học hỏi nhân cách và đạo đức của những vị ấy, làm thăng hoa đời sống tâm hồn mình. Những vị ấy đâu cần những đồng bạc lẻ nhét vào tay, vào mồm, đâu cần những mâm lễ vàng mã mê tín ấy.
Người đi lễ chùa, hay lễ hội đình, đền mang tâm tưởng đi xin, để được cho là một khái niệm sai lầm, các đấng linh thiêng ấy không mang sứ mệnh cho một cá nhân nào, đó chẳng qua là một suy nghĩ lệch lạc, nhầm tưởng mà thôi. Muốn có thành quả thì bản thân mình phải làm điều tốt mới hưởng quả lành.
Nếu như các chùa chiền, đền, đình, ban tổ chức lễ hội không tuyên truyền, giải thích, giáo dục tư tưởng sai lệch kia thì ngày càng trầm trọng hơn trong suy nghĩ người đi lễ, biến hành vi đi lễ hội, chùa chiền, đình, miếu trong tâm niệm tham lam chứ không phải bình an.
Nguyễn Dũng
Thể thao & Văn hóa