(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 20 năm qua, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn văn hóa - nghệ thuật, khái niệm hội nhập được Việt Nam theo đuổi liên tục.
Dù con đường phía trước còn lắm gian nan, thử thách, và tự trong suy nghĩ của từng lĩnh vực vẫn còn những băn khoăn (kiểu như làm sao hòa nhập mà không hòa tan), nhưng đây là một theo đuổi đúng đắn. Bởi đây là cách phổ quát để Việt Nam dần dần khẳng định được sự hiện diện và vị thế của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực như sáng tạo, nghệ thuật, khoa học, phát minh…
Như tại sự kiện nghệ thuật lớn bậc nhất Đông Nam Á - Art Stage Singapore 2017 - sẽ khai mạc lúc 12h ngày 12/1/2017 tại Singapore, thu hút 132 phòng tranh đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có 3 đại diện: Cúc Gallery (Hà Nội), Galerie Quỳnh (TP.HCM) và urbanArt (TP.HCM)…
Nhiều người cho rằng đây chỉ là một hội chợ nghệ thuật trung - cao cấp, ai có điều kiện thì tham gia thôi, chứ có gì đâu mà hội nhập. Thật ra, cách đây chừng một tuần thôi, sự kiện này đã nhận đăng ký từ 173 phòng tranh của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến nay rút xuống còn 132, chứng tỏ đường đến hội chợ này cũng không hề đơn giản, đừng tưởng có điều kiện hoặc có tiền là thực hiện được.
Ngày 3/2/1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, cơ hội giao lưu và hội nhập được toàn diện hơn. Nhìn ở khía cạnh song hành của nghệ thuật đương đại, những nỗ lực của Trần Lương và các nghệ sĩ đương đại khác tại Hà Nội, rồi sự trở về Việt Nam hoạt động của Quỳnh Phạm (Galerie Quỳnh ra đời năm 2003), của Jun Nguyễn-Hatsushiba, của Lê Quang Đỉnh, Tuấn Andrew Nguyễn, Hà Thúc Phù Nam và Tiffany Chung (đồng sáng lập Sàn Art năm 2007), của Nguyễn Như Huy, của New Space Art Foundation, của Ưu Đàm Trần Nguyễn và nhiều người khác, nghệ thuật đương đại Việt Nam mới tạo ra được những tiếng nói đáng chú ý như hôm nay.
Từ thực tế là: quá trình sáng tạo nghệ thuật đương đại và đóng góp của quá trình đó vào tiến bộ văn hóa và kinh tế ít được công nhận, ngày nay, nghệ thuật đương đại đã là một kênh hội nhập có bản sắc, có đẳng cấp, thậm chí có… thu nhập của Việt Nam.
Ví dụ như tại Singapore Biennale 2016, còn kéo dài đến 26/2/2017, tiếng nói của Bùi Công Khánh, Nguyễn Phương Linh khá độc đáo, đã có thể “sánh vai” cùng với khoảng 60 tiếng nói đương đại khác. Như thông tin không chính thức trước sự kiện, Singapore Biennale 2016 đã thỏa thuận cả 100 ngàn USD để mua tác phẩm của Bùi Công Khánh, nhưng anh chưa chịu bán.
Với tác phẩm của Nguyễn Phương Linh, Biennale này còn chấp nhận làm nơi bắt nhịp cầu mua bán để hưởng hoa hồng. Hay như việc có vài nhà kinh doanh nghệ thuật quốc tế đang dòm ngó để đưa tác phẩm của Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài đến các sự kiện như Art Basel Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho thấy sức hút của nghệ thuật đương đại.
Ông bà ta nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, cho nên khi nhìn các sự kiện, các giao dịch có tính xa xỉ, bề nổi của nghệ thuật đương đại, chúng ta cần sự liên nối đến các hạ tầng khác. Bởi không có gì là đơn độc hoặc tự nhiên mà thành, hội nhập cũng vậy, nghệ thuật đương đại đã góp một viên gạch bền vững vào nền móng chung.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa