Học phí 'khủng khiếp' và câu chuyện 'dịch vụ giáo dục'

Chủ Nhật, 24/7/2016, 6:59 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng học phí. Và tăng lên mức "khủng khiếp", như lời than đang liên tục xuất hiện trên mặt báo của một số sinh viên.

Vắn tắt, từ năm học này, tùy chuyên ngành, mức học phí mới sẽ từ 12 -17 triệu đồng/năm. Nghĩa là, để tốt nghiệp, một tân sinh viên năm 2016 sẽ mất từ 50 triệu tới 70 triệu cho tấm bằng của mình, với hai điều kiện: Không "đúp" và mức học phí cũng không... tăng tiếp.

Tất nhiên, cần nói rõ, việc tăng học phí này được xây dựng dựa trên quyền tự chủ mà Chính Phủ đã cho phép áp dụng tại trường ĐH học này, nghĩa là không có gì sai phạm. Và như lời giải thích được đưa ra, việc tăng học phí như vậy gắn với yêu cầu cân đối thu chi, cũng như tích lũy phát triển cho trường.

Thẳng thắn, dù chia theo 4 năm, số tiền 50-70 triệu đồng vẫn là một khoản đáng kể với những gia đình trung lưu tại Hà Nội. Với các gia đình làm nghề nông tại địa phương xa, đó là một số tiền lớn. Còn với những đồng bào ở vùng sâu vùng xa, dùng từ “cực lớn” cũng không ngoa.


Sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân xếp hàng thành hình chữ. Ảnh: Hội SV ĐH Kinh tế Quốc dân HN

Bởi vậy, cũng không khó để hiểu sự ưu tư của các sinh viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân - khi mà ngoài phần học phí, rất nhiều trong số các em vẫn đang phải cùng gia đình lo lắng cho những khoản chi về ăn, ở, sinh hoạt. Và, theo một cách nghĩ khá phổ biến, mức học phí cao tại một trường quốc lập cũng là một cái gì đó hơi... buồn - khi mà vài năm trước, mức thu này ít nhiều vẫn ở mức “phải chăng” so với mặt bằng cuộc sống chung.

Nhưng, nếu nhìn câu chuyện một cách hai chiều, với mỗi trường ĐH trong bối cảnh bây giờ, tăng học phí cũng là giải pháp hữu dụng và thực tế nhất để nâng cấp chất lượng đào tạo, thay vì chủ yếu trông vào nguồn kinh phí khiêm tốn từ ngân sách như quá khứ.

Chất lượng đào tạo ấy nằm ở rất nhiều khía cạnh: từ cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên có trình độ cao... cho tới cách giảng dạy mà chúng ta vẫn yêu cầu về việc lấy sinh viên làm trung tâm trong một lớp học có quy mô nhỏ - thay vì “ghép” vài trăm người trong một lớp học đại trà. Vắn tắt, học phí tăng chính là tiền đề để sinh viên được hưởng thụ một môi trường đào tạo hoàn hảo hơn.

Có thể, sự hoàn hảo ấy chưa đến ngay trước mắt, hoặc đến theo một cách chưa tương xứng với đòi hỏi của những người đang theo học. Nhưng đừng quên, khi sinh viên phải đóng mức học phí cao hơn, không chỉ các em mà cả xã hội cũng sẽ tự nhiên cho mình thêm quyền giám sát, thậm chí là phản biện, về sự hoàn hảo hơn ấy.

***

Nghĩa là, theo một cách nào đó, chúng ta lại quay về một cuộc tranh cãi cũ giữa 2 quan điểm: sự kính trọng mặc định dành cho nghề giáo trong quá khứ, và tư duy sòng phẳng, nhìn thầy cô giáo như một nghề cung cấp dịch vụ bình thường.

Cuộc tranh luận ấy lại được nhen lên trong việc tăng học phí này, khi một thành viên trên mạng xã hội (được cho là giảng viên tại ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ bài viết với đại ý rằng mối quan hệ ở đây là câu chuyện người bán - kẻ mua. Và thay vì đòi hỏi “giá rẻ”, người mua chỉ có lựa chọn: có hoặc không sử dụng dịch vụ với mức giá đi kèm.

Và câu chuyện bắt đầu đi xa hơn, khi một số sinh viên thắc mắc bằng câu hỏi: “bán hàng kiểu gì thế ạ?”.

Ở đây, người viết xin không đề cập tới chuyện đúng sai trong cuộc tranh luận muôn thuở này. Nhưng, nếu lấy tư duy “dịch vụ” làm cơ sở, thì có lẽ, bản thân người đại diện cho “nhà cung cấp” này cũng chưa đủ hoàn hảo, mà vẫn ứng xử với... khách hàng theo tư duy của những cô mậu dịch trong thời bao cấp.

Sự sòng phẳng trong xã hội hiện đại không xấu. Nhưng, trước tiên, phải có sự đồng cảm từ cả hai phía: thu tiền và đóng tiền. Để, cho dù phải đối mặt với cách đặt vấn đề “cung cấp dịch vụ” trong giáo dục, thì học phí cũng không đến mức là gánh nặng đè bẹp sự hiếu học của học trò; và trong dịch vụ giáo dục vẫn có mối quan hệ thiêng liêng, mang đầy tính tri ân: tình thầy - trò.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Lão nông  (24/07/2016 10:32:26)
Huong.dang62@yahoo.com.vn
Phải xem mặt bằng chung mà thu .Đại học KTQD Hà nội quên mất một điều cái giá của Sv tốt nghiệp trường không còn như xưa nữa .Từ Quảng trị cho đến Hà tiên phần lớn giới trẻ , công chức ,... đều có bằng tốt nghiệp của Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh .Tôi ở Vt nhiều năm và nhận thấy rất ít sv có bằng kinh tế xin được việc .Các bậc phụ huynh cần lưu ý tư vấn cho con mình trong việc chọn trường , chọn ngành để khỏi tốn kém vô ích và khi tốt nghiệp dễ kiếm việc .
Phạm Côn  (24/07/2016 09:54:29)
Phammanhcon54@gmail.com
Một sinh viên đi làm bồi bàn thuê ở Singapore chỉ kiếm được 15 đô Sing/ngày, có nghĩa là tối đa bạn ấy chỉ có thể kiếm được 500 đô/ tháng. NUS đại học Quốc Gia Singapore (có tên viết tắt na ná như NEU) đòi hỏi một học phí ít nhất 20.000 (hai mươi nghìn đô la Sing/năm). Trong khi đó, một sinh viên NEU cùng một công việc, có thể có thi nhập 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, liệu chúng ta có thể đòi hỏi cao về chất lượng cho một kỹ sư kinh tế NEU khi ra trường? Nếu còn giữ tư tưởng bao cấp thì không chỉ " Thầy hèn" mà trò cũng "thiệt" khi họ có thể sẽ là một trong số cả vạn kỹ sư hoặc thất nghiệp hoặc đang phải làm trái ngành nghề như hiện nay. Bạn muốn chọn giải pháp nào?
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến