'Hậu' thi THPT quốc gia: Đừng chọn nghề theo... 'hot trend'

Thứ Sáu, 1/7/2016, 15:18 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi Quốc gia 2016 diễn ra cuối tuần này sẽ giúp các sĩ tử, người nhà và toàn xã hội trút bớt những gánh nặng. Nhưng, thi xong không phải đã hoàn thành khúc quanh đời người. Giờ là lúc, nhiều thí sinh, gia đình lựa chọn ngành nghề của mình, con em mình.

Chúng ta không lạ trước những nghịch lý hiện tại của xã hội trong việc học và làm: cử nhân điện lực đi làm báo; thạc sĩ báo chí đi bán thực phẩm sạch qua mạng; cử nhân văn chương đi làm quản trị nhân sự…

Nhìn ở góc độ tích cực, việc này khiến những lựa chọn hiện thời của các sĩ tử chỉ mang tính tương đối. Giữa dòng ngược xuôi sau này, các em có thể lựa chọn nhiều ngã rẽ, không liên quan đến ngành nghề các em đang học. Và, nói rộng ra, tấm bằng Đại học chỉ là tấm vé cần có, để thuận tiện trên hành trình dài dặc sau này.

Nhưng đấy chỉ là điểm sáng hiếm hoi của vấn đề…

Thực tế, việc đào tạo vô tội vạ đang khiến việc chuyên môn hóa ngành nghề trở nên khó khăn. Ví dụ, một cử nhân văn chương có thể làm quản trị nhân sự tốt. Nhưng, sẽ là tốt hơn nếu chính con người ấy được đào tạo về quản trị nhân sự trên ghế giảng đường. Bởi, bốn năm với bao kiến thức được trang bị về thi ca sẽ như con số 0 khi làm việc ở thị trường lao động. Điều này là lãng phí, cho từng người lao động và toàn xã hội.


Số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng tiến từng năm

Thêm nữa, việc đào tạo tràn lan mà không “đo” sức tiêu thụ của thị trường lao động dẫn tới một hệ lụy khác, nguy hiểm hơn. Đó là việc con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang “tăng dần đều”, với tốc độ khủng khiếp: năm 2014, cả nước có 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (gấp 1,7 lần so với năm 2012); năm 2015, cả nước có tới 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (chiếm 20% tỉ lệ thất nghiệp của toàn xã hội)…

Ai cũng rõ, gánh nặng thất nghiệp với mỗi cá nhân, gia đình hay xã hội. Và, con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng tiến từng năm ở một đất nước có dân số vàng- cơ hội vàng để “đổi vận” hẳn ai cũng buồn.

Song, chúng ta có những cơ hội để làm khác, ngay trong kỳ thi này, từ mỗi cá thể. Đó là lựa chọn những công việc hội tụ các yếu tố: mình thích, mình có năng lực, thị trường lao động trong lĩnh vực vẫn còn rộng mở. 

Học để có nghề có nghiệp

Học để có nghề có nghiệp

Vài ngày nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra. Theo thông tin vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố, một phần ba số học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp.


Điều tuyệt đối tránh là lựa chọn ngành nghề khi thi dựa vào “hot trend” (xu thế xã hội). Bởi cũng như bao lĩnh vực khác, xu thế nghề nghiệp nóng - nguội rất nhanh. Bên cạnh đó, khi tất cả đổ dồn vào học một ngành nghề thì thị trường lao động trong lĩnh vực ấy đương nhiên sẽ không đủ cơ hội cho tất cả. Và việc bị tắc lại, phải làm trái tay hay thất nghiệp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong câu chuyện này, bài học đổ xô đi học tài chính, ngân hàng cách đây vài năm vẫn còn nguyên giá trị…

Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay có tới 2 đợt xét tuyển, mỗi thí sinh có  tới 4 nguyện vọng ngành nghề/ đợt. Mỗi nguyện vọng là một lựa chọn đợi chờ thí sinh sau khi biết điểm thi. Và, việc học gì, làm gì vẫn là quyền tự chủ của những người ưu tú, có điểm thi cao. Bởi vậy, thi xong, sau tiếng thờ phào nhẹ nhõm, việc nghiên cứu thị trường lao động và quan trọng hơn là lắng nghe bản thân mình là việc nên làm với mỗi thí sinh.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến