(Thethaovanhoa.vn) - Có gì đặc biệt ở ngày 8/3 vừa đến với chúng ta vào hôm qua?
Em trai tôi là một người khéo tay, thích làm việc nhà và rất quan tâm đến những người xung quanh. Nhưng thỉnh thoảng, cậu vẫn nhận được những câu như thế này từ các bà các cô, nhất là trong những lần về quê: “Đàn ông chăm chỉ thế làm gì, khéo lại lấy phải vợ đoảng”.
Không khó để trả lời, đó là một ngày Quốc tế Phụ nữ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sinh kế của tất cả mọi người và làm xáo trộn đời sống của mỗi gia đình. Bởi vậy, chúng ta không được chứng kiến nhiều hoạt động văn hoá giải trí sôi động, cũng như những chương trình kỉ niệm với quy mô lớn.
Nhưng, chừng ấy là chưa đủ nếu bỏ qua một cột mốc khác: ngày Quốc tế Phụ nữ của năm 2021 cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu chính thức tiêm những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
Bởi thế, bên cạnh những lời chúc dành cho phụ nữ, thông tin và hình ảnh về đợt tiêm vaccine đã trở thành một phần quan trọng của dòng thời sự chủ lưu hôm qua. Và, cũng rất đáng nhớ, tại những điểm tiêm phòng đầu tiên trong ngày - ở Hải Dương và TP.HCM - chị em là những người được ưu tiên tiêm trước.
Được đăng tải trên nhiều tờ báo và mạng xã hội, hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tự tay tiêm vaccine cho một nữ nhân viên Trạm y tế phường Tân Hưng (Hải Dương) là minh họa sống động nhất cho sự ưu tiên đầy ý nghĩa này.
Ý nghĩa, bởi đó không phải là sự... nhường nhịn mang tính hình thức trong một ngày mà phụ nữ dễ trở thành tâm điểm.
Xa hơn thế, khi đại dịch Covid-19 đang là nguy cơ đe dọa nhịp sống, nhu cầu sinh hoạt và cả tính mạng của mỗi người, việc những người phụ nữ được ưu tiên tiêm liều vaccine ngừa bệnh cũng là cách mà chúng ta tôn vinh vai trò và sự hy sinh của họ một cách xứng đáng nhất, sau những gì đã trải qua.
Cần nhắc lại, cũng trong ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, các thông điệp của Liên hiệp quốc đều đặt vấn đề bình đẳng giới trong mối liên hệ hữu cơ với một thế giới đang bị đảo lộn vì bệnh dịch. Theo đó, phái yếu chính là đối tượng vốn rất dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19, nhưng cũng là những người giữ một vai trò không thể thay thế trong cuộc chiến khốc liệt này.
Từ những nhà lãnh đạo cấp cao tới những nhân viên y tế, các chủ cửa hàng tạp hóa, giáo viên giảng dạy từ xa hay những người phụ nữ bình thường nhất, tất cả đều không nằm ngoài quy luật ấy. Bởi, cùng với đặc thù về giới tính và tâm sinh lý, bản thân những người phụ nữ trong đại dịch Covid-19 vẫn phải gánh thiên chức của người vợ, người mẹ mà tạo hóa đã đặt lên vai mình.
Điều ấy giống như câu chuyện mà một nữ kỹ thuật viên tại bệnh viện dã chiến Chí Linh từng chia sẻ trên TT&VH. Rằng, trong phút Giao thừa vào năm 2021 này, những đồng nghiệp nam của chị đủ bình tĩnh để nén cảm xúc khi phải xa gia đình. Nhưng, chị và hầu hết các đồng nghiệp nữ đều bật khóc trong cuộc điện thoại gọi cho người thân.
Chẳng có gì đáng xấu hổ, nếu chúng ta hiểu về sự xúc động và lo lắng của những người phụ nữ như vậy trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Để rồi, cũng là rất thật, khi nói rằng vô vàn câu chuyện về những nữ bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phải hoãn đám cưới, xa con thơ, tự cân đối thiên chức làm vợ làm mẹ... ở cuộc chiến đặc biệt ấy lại truyền đi những cảm hứng và năng lực tích cực nhất cho cộng đồng từ sự hy sinh của họ.
Thực tế ấy, cũng gần với điều đã được nhắc tới rất nhiều trong những tháng ngày qua: Cuộc chiến đấu với bệnh dịch sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách sống, vào tình cảm và sự gắn bó giữa con người với con người.
Khi mà đại dịch Covid-19 đang làm thế giới dần biến đổi theo những quy luật riêng của nó, chẳng có gì lạ khi những liều vaccine lại trở thành món quà đặc biệt mà chúng ta muốn tặng cho mọi phụ nữ trong ngày 8/3.
Trí Uẩn