Góc nhìn 365: Ăn phở, cắt tóc và Covid-19

Thứ Năm, 15/7/2021, 7:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cả ngàn lời bình luận liên quan đến... phở đã tràn ngập mạng xã hội 3 ngày trước - khi Hà Nội có văn bản thông báo dừng mọi hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cắt tóc gội đầu... từ 0 giờ đêm ngày 13/7 để đảm bảo an toàn trong mùa Covi-19.

Góc nhìn 365: 'Về quê' mùa dịch

Góc nhìn 365: 'Về quê' mùa dịch

Một câu chuyện nhỏ nhưng cũng đủ khiến chúng ta thêm ấm lòng trong những ngày u ám vì bệnh dịch: Chiều 11/7 vừa qua, 47 đồng bào dân tộc H'rê đã về tới quê nhà tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) một cách an toàn.

Ở những lời bình luận và chia sẻ ấy, cộng đồng mạng gọi bè bạn, người thân hết ca làm chiều cùng đi ăn bát phở - kèm theo đó là cắt tóc chỉn chu – trước khi bước vào một giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch trong ngày mai.

Cảnh tượng ấy khiến nhiều người liên tưởng tới những gì từng diễn ra khoảng 3 tuần trước, khi Hà Nội từng cho phép mở cửa các dịch vụ cắt tóc và ăn uống vào ngày 22/6 (sau một thời gian đóng cửa vì dịch). Lúc đó, đã có những câu đùa – cả trên mặt báo lẫn không gian mạng – rằng người dân Thủ đô đang đón mừng ngày hội “ăn phở - cắt tóc”, với những dòng người từ sáng đã nườm nượp đổ tới những dịch vụ này.

Chú thích ảnh
Một hàng phở tại Hà Nội trước ngày có thông báo thực hiện chỉ thị của UBND TP. Hà Nội chỉ bán đồ mang về. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Cũng không khó để giải thích vì sao cắt tóc, ăn phở là những thứ khiến chúng ta nhớ ngay đến ở những dịp thế này: Nếu chuyện tóc tai chỉn chu là thứ cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày, thì ăn phở từ lâu đã là thói quen của người Hà Nội. Đã từng có so sánh vui, rằng với hàng trăm ngàn bát phở được bán mỗi sáng, người Hà Nội ăn phở giống như người Việt cổ… ăn trầu. Ở đó, “bát phở mở tấm lòng”, chúng ta cứ phải làm một bát phở sáng rồi mới tính tới một ngày dài cả cho cuộc sống và công việc.

Kể vậy không phải để than tiếc – khi mà bất cứ ai cũng hiểu sự hợp lý trong việc tạm dừng các dịch vụ kể trên trong thời điểm bệnh dịch hoành hành. Thay vào đó, khi cảm nhận được sự thiếu vắng của những thứ tưởng rất bình thường như ăn phở hay cắt tóc, chúng ta mới càng thêm mong mỏi bệnh dịch sớm được dập tắt, để mỗi người lại có thể trở về nhịp sống “bình thường” như trước đây.

Và thẳng thắn, dù là một bát phở, một ly cà phê nóng, là mười lăm phút chạy bộ ngoài công viên hay ghé qua cửa hiệu để “xử lý” mái tóc đã hơi dài – những thứ ấy chỉ là “phần mở đầu” từ những hệ lụy mà Covid-19 mang lại cho xã hội. Bởi, nếu bình tâm suy nghĩ và quan sát, mỗi người trong chúng ta đều có thể kể ra vô vàn trường hợp đang gặp khó khăn gấp bội trong đại dịch so với việc thiếu một bát phở sáng mỗi ngày.

Nhớ phở, nhớ cà phê vỉa hè, thèm cắt tóc... Sự tiếc nuối với những nhu cầu đơn giản ấy sẽ là hợp lý, nếu chúng ta biết động viên nhau thích ứng với sự thay đổi nhịp sống trong những ngày này để chờ bệnh dịch qua đi.

Như cách nói vui của nhiều người, hãy chấp nhận một bát phở tự nấu – dù không ngon – hay một ly cà phê hòa tan “công nghiệp” để uống tạm, bởi sự không thoải mái của mỗi cá nhân ấy sẽ là tiền đề đưa chúng ta đến gần hơn với cái ngày được... thoải mái và ung dung ăn phở.

Người Hà Nội cũng như người ở hầu hết các địa phương trên cả nước trong những ngày này cần hạn chế đi lại, tuân thủ 5K, tham gia tiêm chủng... để đẩy lùi dịch bệnh. Phải vậy, để chúng ta sớm quay lại với những thứ tưởng như bình thường mà lại đáng quý – mà có khi chỉ là một bát phở sáng trong ngày.

Trí Uẩn

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến