(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn một năm rưỡi hoạt động, Đường sách TP.HCM tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, Q.1 trở thành điểm sáng văn hóa không chỉ của thành phố phương Nam, mà còn là mô hình để nhiều tỉnh, thành khác noi theo.
Nhiều người “mặc định” rằng đến Đường sách là chỉ có mua sách nhưng ngay từ khi hình thành, các đơn vị tham gia Đường sách đã xác định đây là nơi quảng bá thương hiệu của mình. Bởi tại TP.HCM có rất nhiều nhà sách, nên khách đến với Đường sách không chỉ để… mua sách.
Trong hơn một năm rưỡi hoạt động, gần như hàng tuần đều diễn ra nhiều cuộc giao lưu ra mắt sách. Đúng hơn, đây là những cuộc gặp gỡ giữa các tác giả và độc giả của mình.
Khác với nhiều loại hình nghệ thuật khác, tác giả viết sách thường ít được độc giả thấy mặt, bắt tay, xin chữ ký hay nghe những lời tâm tình của nhau. Những cuộc giao lưu tại Đường sách đã xóa nhòa khái niệm “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” giữa người viết và người đọc.
Không chỉ có các đơn vị tham gia Đường sách, nhiều đơn vị không có gian hàng nào tại đây cũng tận dụng không gian này để giới thiệu sách của mình. Đơn cử như thương hiệu Saigon Books, là đơn vị không có gian hàng trên Đường sách nhưng thường xuyên ra mắt sách tại đây.
Đường sách TP.HCM không chỉ có sách và các hoạt động liên quan đến sách. Hơn thế, Đường sách đang và đã trở thành không gian của văn hóa - nghệ thuật với các buổi hòa nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, triển lãm mỹ thuật và là phim trường. Họa sĩ Đặng Ái Việt với triển lãm tranh chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng dịp 27/7 vừa qua là một ví dụ. Hay có đài truyền hình đã chọn Đường sách làm phim trường để quay chân dung nhân vật…
TP HCM là nơi đầu tiên có hẳn một con đường dành cho sách ở ngay khu trung tâm thành phố. Thế nhưng, sự hiện diện của các thương hiệu sách tại con đường này là một chuyện, còn sách bán được hay không lại là câu chuyện khác.
Có ý kiến cho rằng, nhiều người nhất là giới trẻ đến Đường sách chỉ để chụp hình chứ không quan tâm đến sách. Ý kiến này có phần xác đáng, tuy nhiên điều này cũng phản ánh rằng Đường sách TP.HCM rất đẹp để các bạn trẻ, du khách chọn làm nơi chụp hình. Đó là điều đáng mừng hơn là đáng ngại.
Thêm nữa, Nhà thờ Đức Bà (nằm cạnh Đường sách) là nơi mà nhiều du khách đến đây để chụp hình lưu niệm, hiện nay đang được rào chắn để trùng tu trong hai năm tới, nên Đường sách cũng “thừa hưởng” được số khách có ý định đến Nhà thờ Đức Bà để chụp hình.
Nói thế để thấy, Đường sách dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều địa chỉ văn hóa khác tại Sài Gòn nhưng đã sớm “trưởng thành”, thu hút lượng công chúng đông đảo đến với các hoạt động của mình. Do vậy, việc hai bãi giữ xe hay bất cứ lý do nào khác ảnh hưởng đến hoạt động của con đường này cũng là điều đáng buồn.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa