(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu thầy không ra thầy thì nhất định trò cũng không ra trò. Một người thầy không toàn vẹn vẫn có thể dậy thành công một bài toán, bài lý, nhưng học sinh không thể tiếp nhận bài học đạo đức ở một người thầy như thế”.
Sophia thân mến! Khi tôi viết lá thư này gửi cô là lúc năm học mới đã bắt đầu hơn 3 tuần. Nhưng câu chuyện về những cuốn sách giáo khoa (SGK) vốn yên vị trong ngăn cặp các em học sinh lại nóng ran trong dư luận và diễn đàn mạng xã hội.
Đọc những dòng viết ấy, hẳn nhiều người sẽ nghĩ về thực trạng giáo dục bây giờ, với tất cả những bê bối, lùm xùm mà trong vài năm qua chúng ta từng biết tới.
Thực tế thì không phải vậy. Mượn lời cô giáo Nhung trong Đợi đến mùa xuân, cố tác giả Xuân Trình đã đưa ra lời khẳng định ấy từ năm 1985, tức là 35 năm trước.
Một cuộc hội thảo khoa học quốc gia về ông đã được tổ chức vào cuối tuần qua. Ở đó, sự nghiệp sáng tác của nhà viết kịch này đã được nhìn lại, với những đánh giá rất cao từ những người trong cuộc.
Sinh năm 1936, Xuân Trình vụt sáng ngay từ đầu thập niên 1960. Để rồi, trong khoảng ba thập kỷ sau đó, ông đã để lại hàng chục kịch bản nổi tiếng như Quê hương Việt Nam, Lập xuân, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Đợi đến mùa xuân, Mùa hè ở biển…. Và, năm 1996, cố tác giả này sớm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay trong đợt phong tặng lần đầu.
Thế nhưng, điều khiến khán giả day dứt trong hội thảo, chính là câu chuyện về những “tai nạn nghề nghiệp” của Xuân Trình. Thành công nhiều nhưng lận đận cũng thường xuyên đến với ông - tất nhiên là từ những trang kịch bản. Nhìn vào số phận những kịch bản nổi tiếng nhất của cái tên này, chúng ta sẽ hiểu điều ấy: Bạch đàn liễu được duyệt đi duyệt lại tới 7 lần, Mùa hè ở biển duyệt tới 11 lần (có kèm thêm hội thảo đánh giá), còn Thời tiết ngày mai dù được Đoàn kịch Nam Định dựng xong nhưng giờ chót lại bị gạt khỏi Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980…
Như so sánh của nhà viết kịch Lê Quý Hiền, nếu những kịch bản của Lưu Quang Vũ được “chắp cánh” bởi không khí của giai đoạn Đổi mới thì Xuân Trình - tài năng xuất hiện trước giai đoạn ấy - lại có những kịch bản trở thành “hiện tượng lận đận”, do những hạn chế về cách nhìn, cách nghĩ mà hoàn cảnh lịch sử để lại một thời.
***
Không khó để hiểu vì sao,những vở của kịch Xuân Trình lại “lận đận” như thế.
Một ngày trước hội thảo, khi kịch bản Bạch đàn liễu được dựng lại và giới thiệu, người xem của năm 2019 được chứng kiến câu chuyện về không khí ngột ngạt của một làng quê, nơi những cán bộ xã nhũng nhiễu lộng hành gieo bao đau khổ, còn mọi người dân đều nhẫn nhịn, thỏa hiệp mong đổi lấy bình yên và thăng tiến cho gia đình mình. Câu chuyện ấy được viết từ 46 năm trước - và rõ ràng là ít nhiều lạc lõng giữa khi văn học nghệ thuật đang mải mê hướng về những gam màu khác…
Như nhận xét của nhiều chuyên gia, tư tưởng lớn nhất trong kịch Xuân Trình là tư tưởng nhân dân. Với ông, tất cả những gì đi ngược lại hạnh phúc của nhân dân đều cần được phê phán và chống lại. Kèm theo sự nồng nhiệt đầy ý thức công dân ấy là cái nhìn sắc sảo đầy tính dự báo, để từ đó nhận ra những tiêu cực dù manh nha nhưng tiềm ẩn khả năng trở thành cơn bão phá hoại trong tương lai…
Để tồn tại vượt khỏi thời gian, một cách tất yếu, người viết phải biết cách “đi trước” thời đại của mình. Giống với cách nhận xét của một số nhà phê bình, Xuân Trình đã dự báo Thời tiết ngày mai: Sự khó thở, oi nồng hôm trước tất sẽ mang lại cơn gió Đổi mới lồng lộng sau này…
Cũng trong vở Đợi đến mùa xuân, cô giáo Nhung nói:“Khi tôi gieo một hạt mẩy, nhất định nó sẽ nảy một mầm xanh. Nếu mùa đông giá rét nó chưa nảy thì mùa xuân ấm áp nó sẽ nảy mầm”. Ở thế kỷ 21, việc nhiều chuyên gia đề nghị lập hồ sơ, xin truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông cũng chính là sự trân trọng với một người đi trước để gieo mầm như thế…
Anh Bảo