(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm nay, dư luận như sôi lên sau khi một người phụ nữ ở Bình Dương khai nhận đã giết rồi chặt xác chồng thành nhiều mảnh. Đấy là một câu chuyện thực sự rùng rợn, nếu xét về tình tiết và hành động, nhưng xét cho cùng, thì với bất cứ lý do gì, đấy là một kết cục rất buồn, với sự tan nát của một gia đình, với cái chết của một người, và người kia đối diện với không chỉ tòa án lương tâm.
Những vụ bạo hành trong gia đình dẫn đến cái chết của một thành viên thực ra không còn là một câu chuyện mới mẻ ở nước ta nữa. Nhưng mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo hành ấy ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ít khi các vụ mà thủ phạm là người chồng hoặc bạn tình nam gây được sự chú ý bằng những trường hợp người phụ nữ gây án, như vụ ở Bình Dương. Vấn đề không chỉ ở sự rùng rợn của vụ án, mà chính là ở chỗ thủ phạm là nữ. Ngoài ra, còn một chi tiết khác nữa liên quan đến những phân biệt liên quan đến giới tính, vốn bắt nguồn từ tư duy và văn hóa Á Đông: người ta thường không nghĩ rằng, phụ nữ lại có thể làm như vậy.
Nhưng đằng sau những bức tường gia đình, không chỉ những mâu thuẫn chồng vợ nói chung, mà còn có những lý do khác nữa đôi khi khiến những bức xúc của người vợ dồn nén trở thành những cơn hung bạo đến mức giết người.
Người viết bài không có ý bao biện cho hành vi tội ác của người vợ ở Bình Dương. Nhưng tôi muốn nhắc đến những góc khuất trong cuộc sống gia đình đã luôn đặt những người phụ nữ Việt trong muôn vàn áp lực.
Khi có những đổ vỡ gia đình, thì thường người phụ nữ thiệt thòi hơn cả. Đấy không chỉ là áp lực về mặt tài chính như thường thấy, mà còn là áp lực từ xã hội, với những định kiến luôn đè nặng lên họ. Định kiến đó thậm chí theo đuổi cả người phụ nữ một khi họ đã trở thành tội phạm, chịu sự dè bỉu, chế giễu và ruồng bỏ từ người đời, khi không phải ai cũng nhìn thấu những câu chuyện đã dồn nén hoặc thúc đẩy họ trở thành những kẻ giết người. Ngược lại, đã tồn tại một tư duy rằng, không quá bất bình thường khi phụ nữ là nạn nhân.
Trên thực tế, chính phụ nữ là nạn nhân chiếm số đông của bạo lực gia đình.
Đấy là một câu chuyện dài nhức nhối trong hàng biết bao năm qua, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước phát triển. Chỉ nói riêng ở Italy, nơi tôi đã sống và làm việc, 8/3 không phải là ngày để người ta ăn mừng, mà là một dịp để nói đến bạo hành trong bốn bức tường gia đình, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.
Ngày đó, trước trụ sở Hạ viện Italy ở Rome, người ta sắp đặt những chiếc giày cao gót màu đỏ. Mỗi chiếc tượng trưng cho một người phụ nữ đã chết, là nạn nhân của chồng, của người yêu hoặc một gã đàn ông nào đó, đa phần là có quen biết với họ. Hơn 100 chiếc giày như thế mỗi năm và gần như số lượng không giảm, nhức nhối và đầy ám ảnh.
Luật pháp được siết chặt để bảo vệ phụ nữ nhưng vẫn không đủ để dẫn đến sự thuyên giảm những vụ bạo hành nhắm vào phụ nữ. Điều gì đã dẫn đến thực trạng ấy, vì Italy đã bỏ án tử hình, hay vì bản tính của người đàn ông là luôn tìm mọi cách để chế ngự người phụ nữ, và đỉnh cao của sự bất lực thực ra lại là bạo hành? Và người đàn ông Việt, với nhiều định kiến hơn thế, có điểm gì riêng và chung với họ, khi bạo hành người vợ hoặc bạn tình, hoặc có thái độ thô lỗ với những người phụ nữ khác vì một lý do nào đó?
Sau mỗi bi kịch là rất nhiều những bi kịch.
Tình trạng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đã là một nỗi đau của xã hội rồi, đến khi chính họ là nghi phạm gây ra bạo lực đó, thì nỗi đau tăng lên gấp bội.
Anh Nguyễn Văn Theo thấy có một túi xách màu đen để tại vị trí bỏ rác của người dân nên mở ra xem và thấy ben trong có túi nylon màu đen. Tiếp tục mở túi xách ra xem, anh Theo phát hiện có đầu người nên để lại và tri hô cho mọi người và báo cơ quan công an biết.
Anh Ngọc