(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, việc nửa bức tranh Girl With Balloon của Banksy tự hủy ngay sau khi gõ búa bán 1.042.000 bảng Anh (hơn 1,37 triệu USD) tại Sotheby’s London đã gây chấn động thị trường nghệ thuật và văn hóa trên toàn thế giới.
Theo mô tả, có một máy hủy tài liệu nhỏ ẩn trong khung tranh, dường như do chính Banksy cài đặt từ trước, với một điều chỉnh từ xa, để khi cần là ấn nút. Bản thân Banksy cũng viết trên trang cá nhân của mình khi thấy tranh vừa tự hủy: “Tới, tới, cho xong…”. Có vẻ như Banksy muốn hủy bức tranh này để giữ được thái độ trung lập và phi tài chính của mình…
Banksy (sinh 1974) là nghệ sĩ graffiti, nhà hoạt động chính trị, đạo diễn phim ẩn danh, hoạt động ở Anh và Bắc Ireland. Ít người biết Banksy thật sự là ai? Vì nghệ sĩ này hoạt động ẩn hiện, chớp nhoáng, ít ai theo kịp dấu vết. Từ khi mới xuất hiện, Banksy đã nỗ lực chống lại ma lực đồng tiền mà các nhà sưu tập, nhà đấu giá và bảo tàng tung ra để sở hữu tác phẩm, chi phối đến nghệ sĩ.
Banksy thường quay trở lại tự hủy các tác phẩm graffiti đã vẽ lên tường - nhưng cũng như các tác phẩm graffiti của Jean-Michel Basquiat (1960-1988) - các nhà sưu tập đã “nhanh chân hơn” khi cắt cả bức tường để mang tác phẩm đi cất. Jean-Michel Basquiat và Banksy càng chống lại sự sở hữu, ngày nay tác phẩm của họ càng cao giá, càng được lùng kiếm để sở hữu.
Mà đây không phải là những nghệ sĩ “chơi ngông” hiếm hoi. Xét lại nguồn gốc của các phong trào nghệ thuật lớn nửa cuối thế kỷ 20 như nghệ thuật sắp đặt (installation art), nghệ thuật trình diễn (performance art), nghệ thuật ý niệm (conceptual art)… thì một trong số ít tiêu chí ban đầu của nó cũng là chống lại sưu tập và sở hữu của bảo tàng.
Nói nôm na, họ làm những tác phẩm không lưu trữ được để khỏi bị buôn bán, trưng bày, lưu trữ. Nhưng các bảo tàng cũng đâu có chịu thua, họ đã nghĩ ra nhiều hình thức để lưu trữ lại, nên ngày nay các loại hình này đều có mặt trong các bảo tàng đương đại lớn trên thế giới. Tác phẩm của các loại hình này cũng được bán đấu giá rầm rầm, nghĩa là sức mạnh và ma lực của đồng tiền đang có vẻ thắng thế.
Nghệ sĩ người Áo là Erwin Wurm (sinh năm 1954) đã nghĩ ra loại hình “điêu khắc một phút” (One minute sculptures) từ cuối thập niên 1980 để chống lại sự bền vững vốn có của điêu khắc và chống lại sự chi phối của đồng tiền. Các tác phẩm thường do chính Erwin Wurm dùng thân thể của mình để tương tác, tạo hình trong một phút, sau đó thì xem như tác phẩm ấy chưa từng ra đời. Vậy nhưng các nhà sưu tập, các bảo tàng cũng “không buông tha”, những bức ảnh, đặc biệt những thước phim ghi lại một phút ấy nay trở thành vật sở hữu, sưu tập, đấu giá, trưng bày.
Các tác phẩm trình diễn của Zhang Huan (Trương Hoàn, sinh năm 1965) người Trung Quốc cũng “chịu chung số phận”, khi anh càng nỗ lực vượt thoát sự chi phối của đồng tiền, đồng tiền càng ập đến để sở hữu các trình diễn của anh.
Nhìn lại cuộc chiến giữa nghệ thuật đương đại và ma lực đồng tiền trong hơn nửa thế kỷ qua, dường như bên nào cũng có lý lẽ chính đáng và các chiến thắng của mình. Phía nghệ sĩ cũng đã tạo ra được vô số tác phẩm mà không hình thức sở hữu nào kịp lưu trữ, nhưng phía sở hữu cũng đã kịp thời sưu tập nhiều tác phẩm quan trọng, nhiều tên tuổi thời danh, mà 4 nghệ sĩ vừa kể tên ở trên chỉ là những ví dụ.
Dường như mâu thuẫn, hoặc cuộc chiến này chưa bao giờ dừng lại, nhưng chính mâu thuẫn lại là động lực sáng tạo, để ngày càng sản sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật mới. Mà cái lợi của cuộc chiến này là người xem, họ sẽ có cơ hội để xem cái mới, cái lạ, cái khác. Cũng như các phân tích từng trải về thị trường cho rằng nửa bức tranh “Girl With Ballom” còn lại của Banksy sẽ tăng giá chóng mặt trong thời gian tới.
Vô Ưu
Tối 1/10 tại một không gian nghệ thuật ở Bình Quới (TP.HCM) đã diễn ra cuộc thảo luận về những ảnh hưởng tới sáng tạo trong nghệ thuật đương đại, với những tên tuổi uy tín. Tuy là một hoạt động có quy mô hẹp, tính chuyên môn cao, nhưng lại gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ về môi trường sáng tạo của nghệ thuật đương đại Việt Nam.