Chuyện tử tế, khó nói lắm em ơi!

Thứ Tư, 17/7/2013, 8:23 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Sáng nay trong bài thi Cao đẳng môn ngữ Văn có câu: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi” thí sinh hãy bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.

Những đề thi mở mang tính nghị luận xã hội gần đây được Bộ GDĐT chuộng, âu cũng là một cách cập nhật của chương trình Văn học luôn bị kêu cũ kỹ. Ví dụ như “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” trong đề thi Văn khối C đại học 2012. Hay “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” trong đề thi môn Văn khối C năm 2011. Hay đề Văn khối D năm 2010: “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”.

“Văn học là nhân học”, đề thi dạy thí sinh làm văn và làm người trong phòng thi. Những mệnh đề đối lập như tử tế - ti tiện, cơ hội – chân chính, tự hào – xấu hổ… chính là để các em học sinh thể hiện thái độ rõ ràng, hướng các em tới chân thiện mỹ.

Cũng như vậy, mục đích đề thi Văn hôm nay cũng là hướng các em trở thành người tử tế, làm những chuyện tử tế và "khi có lỗi thì sẵn sàng nhận lỗi".

Nói một cách văn học thì sự tử tế luôn được mọi xã hội đề cao. Văn hào Mark Twain nói rằng: “Sự tử tế là loại ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe thấy và người mù có thể đọc được”. Vâng, đó là thứ ngôn ngữ phổ biến nhất với con người. Có một dẫn chứng về sự tử tế đạo diễn Trần Văn Thủy nói trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế mà những người có vẻ ưu thời mẫn thế hay nhắc đến là: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...”.

Trong đáp án của Bộ GDĐT chắc chắn có định nghĩa người tử tế một cách rõ ràng mô phạm theo ba-rem chấm điểm. Và trong đó, một biểu hiện của người tử tết là khi có lỗi, phải biết nhận lỗi và nhận một cách thành khẩn, đồng thời cũng phải biết cố gắng hết sức để không tái phạm.

Phải dũng cảm đối diện với bản thân, với sự thật, để khi có lỗi dám nhận lỗi, không dối trá lấp liếm, vì những điều này có thể dẫn bản thân đi tới những hành vi của kẻ ti tiện, đổ lỗi cho người khác. Sự tử tế biểu hiện rất rõ ràng: hãy biết nhận lỗi.

Có điều thế này, là phần lớn thí sinh thi môn Văn Cao đẳng hôm nay, cũng vừa trải qua kỳ thi Đại học trước đó vài hôm. Tất nhiên các em cũng vừa làm đề thi môn Văn khối C, trong đó có câu nghị luận: "Nhìn lại vốn văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Thí sinh hãy bày tỏ quan điểm sống của mình".

Bao nhiêu thí sinh đủ vốn sống để biết: Trong nhiều tình huống, “nhận lỗi” cũng là một cách hiệu quả để “thủ thế giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”. Bao nhiêu em biết rằng, xã hội hiện nay không ít người có quyền lực áp dụng chiêu này. Nhận lỗi xong, sóng yên bể lặng rồi đâu lại vào đó "xin lỗi xong tất cả lại hòa".

Nhận lỗi, một biểu hiện của sự tử tế, khi nào là một sự khôn khéo. "Vốn văn hóa dân tộc" này, "sự khôn khéo" này có phải là một sự tử tế. Không hiểu, nếu thí sinh biết liên hệ hai đề thi này lại liệu có được điểm cao?

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

nha nam  (19/07/2013 02:50:39)
nhanam@yahoo.com
Nhận và xin lỗi nhiều khi trở thành phong trào "khuyết điểm oai" (được tiếng là khiêm tốn); rồi đâu lại vào đấy, cùng lắm là "do trình độ có hạn, vừa đi vừa tìm đường nên không tránh khỏi sai sót".
Nguyễn Thanh Sang  (19/07/2013 10:08:36)
Satiak09@gmail.com
Nguyễn Gia viết hay quá! Đã khá lâu mình ít đọc Thể thao & Văn hóa - kể từ khi Lê Hoàng và Phan Thị Vàng Anh thôi viết về mảng Văn hóa cho báo này. Rồi, Nguyễn Nguyên, Anh Ngọc, và Lê Trần Long bên mảng Thể Thao cũng vậy. Cảm ơn Nguyễn Gia nhé, giờ thì mình lại mong được đọc những bài viết của bạn! Chúc bạn khỏe, và viết khỏe!
Lê Nam  (18/07/2013 10:45:38)
nam@yahoo.com
Biết xin lỗi, có phải là người tử tế không? Chưa chắc! Ví dụ, nguyền rủa người ta hết ý, chửi từ bốn đời người ta "tứ đại ngu", không vì lý do gì, lại có tiếng là "người có học thức". Sau khi dư luận lên án là "vô văn hoá", lúc đó mới biết xin lỗi. Vậy có phải là người tử tế không?
Nguyen The Cuong  (17/07/2013 01:49:18)
cuongtelecoms@gmail.com
Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...
ngokhoavan  (17/07/2013 10:16:31)
ngokhoavan@hotmail.com
Nguyễn Gia viết hay quá! Hay từ tiêu đề, nội dung cực kỳ súc tích, chạm vào tim người đọc tuy bài viết không dài.
Hàn Băng  (17/07/2013 08:38:24)
hanbang@yahoo.com
Vâng, người tử tế là người biết xin lỗi. Nhưng người xin lỗi, chưa chắc đã là người tử tế.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến