(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Obama vừa có bài phát biểu quan trọng về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu lại bài viết của nhà báo Phạm Tấn khi là phóng viên thường trú TTXVN tại Mỹ về các bài hùng biện của Tổng thống Mỹ.
Lăn lộn hai tuần ở hai đại hội Đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ giúp tôi ngộ ra vài điều thú vị đằng sau tài hùng biện của người Mỹ.
"Michelle ơi, anh yêu em. Chỉ mới mấy hôm trước thôi, em đã cho mọi người thấy tôi may mắn biết nhường nào". "Malia và Sasha, cha mẹ thật tự hào về các con. Nhưng hãy nhớ ngày mai các con còn phải đi học đấy". Những lời ấy của ông Obama cùng với vẻ chân tình làm cho cả nhà thi đấu Times Warner Cable ở thành phố Charlotte, North Carolina dậy sóng. Gần hai vạn người hét vang tên ông và gào thét rằng nước Mỹ phải cho ông thêm 4 năm nữa. Nhưng tôi tự hỏi, đấy là những lời tự đáy lòng bột phát ra từ con tim hay nó là một đoạn mở đầu đã được soạn sẵn để ông Obama liếc mắt đọc hay ông đã học thuộc lòng trước khi bước lên bục diễn giả?
Ông Obama có cầm giấy đọc hay không?
Ba tiếng trước khi ông Obama đọc diễn văn nhận sự đề cử chính thức của đảng Dân chủ, cô nhân viên trung tâm báo chí đại hội đi phát cho các phóng viên một bản tóm tắt các vấn đề chính mà ông Obama sẽ đề cập với một vài số liệu cơ bản như "sẽ thêm một triệu việc làm trong 4 năm", "giảm học phí bậc cao đẳng đại học xuống một nửa trong 10 năm", "sẽ thêm 100 ngàn giáo viên"... Và khi chỉ còn nửa tiếng tới “giờ G”, cô nhân viên xinh đẹp ấy quay lại nở thêm một nụ cười và đưa thêm một kẹp giấy 6 trang in chữ nhỏ li ti toàn văn bài phát biểu của ông Obama. Những lời say đắm riêng tư ông nói ở trên có cả trong đó.
Cả bài diễn văn của ông Obama tôi vừa xem trực tiếp từ hội trường vừa soát văn bản ấy chỉ vênh nhau vài từ. Ông kể câu chuyện ông bà của ông, tuyên bố chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, ông điềm tĩnh nói về sự khác biệt với đối thủ Mitt Romney và phe Cộng hòa giống như sự khác biệt giữa hai con đường và quyền lựa chọn là của người dân Mỹ. Ông nhắc lại những chiến công như tiêu diệt Bin Laden, chính sách đúng đắn khi rút quân khỏi chiến trường Iraq, Afghanistan... Mọi thứ đều truyền cảm mà trình tự vẫn hệt như những dòng chữ chen nhau trong tập giấy.
Cứ như Obama cũng đang đọc giấy vậy. Chỉ là cứ như thôi. Vì đã bao giờ có ai trong số chúng ta xem truyền hình thấy ông Obama cúi mặt xuống đọc diễn văn? Là điều tối kị nếu như các chính khách Mỹ, đặc biệt là các tổng thống phải cúi gằm mặt xuống và vặn cái đèn soi chữ sáng hết cỡ và thi thoảng chỉnh lại mắt kính cho đỡ nhòe.
Nhưng ông Obama đọc thật. Chỉ là ông không đọc giấy. Người Mỹ, lãnh đạo một đất nước mà mỗi ngày có cả trăm phát minh sáng chế về khoa học công nghệ ra đời dĩ nhiên phải đọc một cách tinh vi nhất có thể. Ở một đất nước mà chuyện diễn thuyết và hùng biện trở thành nghệ thuật thì phải đọc thật khéo.
Có hai cái màn hình trong suốt dựng trên cái giá đặt chéo ở hai bên bục diễn giả ở đại hội đảng Dân chủ chạy chữ cho ông Obama (và các diễn giả khác) đọc mỗi khi họ hướng sang các cử tọa ở bên phía cánh gà. Và khi ông Obama nhìn thẳng để "nghiêm trọng hóa" một vấn đề nào đó, tầm mắt của ông khi ấy lại phóng trúng một cái màn hình khác đặt ở phía xa nhưng đủ gần và đủ lớn để ông đọc được các dòng chữ từ từ chạy trên đó. Đấy là những thiết bị mà dân truyền hình không lạ, họ vẫn gọi là "autocue", cái máy hiện chữ. Một thuật ngữ khác người Mỹ hay dùng, gọi nó là cái "teleprompter" phóng chữ tự động. Tức là cũng giống như mấy cô phát thanh viên truyền hình đọc bản tin thời sự của VTV mỗi lúc các gia đình Việt Nam ăn cơm tối, mắt nhìn thẳng tưởng không đọc giấy mà hóa ra là đang đọc chữ phóng to chạy trên cái màn hình nằm ở một vị trí tế nhị để nó không bao giờ lọt vào tầm ngắm của camera.
Nhưng dù vẫn là đọc (một phần nào) văn bản như thế, điều cốt lõi là ông Omaba lôi cuốn được đám đông gần hai vạn người ngồi há hốc mồm nghe ông nói. Cái đám đông cuồng nhiệt ấy lúc nào cũng chỉ chực đứng dậy vỗ tay và gào hét hưởng ứng tựa như những gì mà chúng ta thường chỉ thấy trong những trận đấu thể thao chứ không phải là một cuộc đại hội đảng. Ông lôi kéo bằng gương mặt biểu cảm, bằng cái nhìn, bằng những cái nhấn nhá đầy cảm xúc và những lời lẽ hùng biện. Thế nên, đôi khi ông Obama lại phải ra hiệu các đảng viên đảng Dân chủ hãy khoan vỗ tay, để ông còn tiếp tục.
Làm được như thế tức là cả khi bài diễn văn của ông Obama là do một cô (hay anh) thư ký nào đó viết hộ, thì nó cũng cho thấy vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nắm được tất cả những vấn đề mà ông chịu trách nhiệm và những lời ông nói. Đó là còn chưa nói tới việc những người thân cận với ông Obama nói rằng 80% những bài phát biểu là do ông tự tay viết, với những phân tích khúc triết, những dẫn dắt đầy lôi cuốn đúng với phẩm chất của một người tốt nghiệp luật Havard và từng có hơn nửa thập kỷ làm ông nghị.
Ai cũng có thể hùng biện, nhưng người Mỹ không bầu cử bằng tai
Không phải người ta chỉ mang ra mấy cái thiết bị ấy để trợ giúp cho tổng thống Obama đứng bục. Gần 100 bài diễn văn ở đảng Dân chủ đều phát trước văn bản cho truyền thông, và các diễn giả (dù là một người lính phục viên hay một cô giáo dạy toán) đều được trợ giúp như ông Obama với đầy đủ các máy móc để họ có thể diễn không kém gì tổng thống. Bà Michelle Obama khi xuất hiện ở đại hội để ca tụng chồng mình, nói ông không hề thay đổi suốt bao năm qua cũng được máy móc hỗ trợ để bà không bị vấp, không nhịu tên chồng mình thành ra một người nào đó.
Ở đại hội đảng Cộng hòa, người ta cũng bố trí ngần ấy cái máy để bộ đôi ứng viên tổng thống và phó tổng thống Mitt Romney và Paul Ryan không tỏ bị ra lép về về tài ăn nói. Họ thoải mái vung tay chém và quay ba phía hội trường để vạch ra những con đường dẫn dắt nước Mỹ trở lại với quỹ đạo vốn có của nó sau khi đã bị ông Obama dẫn dắt lạc lối, ngập trong nợ nần (hơn 16 ngàn tỉ USD) và thất nghiệp (8,3%), vì nhìn đâu cũng thấy màn hình chạy chữ.
Thế nên, ông Romney nói hay hơn những hôm ông đi vận động tranh cử mà không có máy đọc chữ "đi kèm", ông không chỉ biết lặp đi lặp lại bài hát Nước Mỹ tươi đẹp (America is beautiful) như cách nay hơn nửa năm, mà ông đã kể nhiều câu chuyện hơn về những giấc mơ Mỹ (American dreams) cũng như hùng hồn hơn khi công kích đối thủ.
Có một điều lý thú là cả hai ông phó là (phó tổng thống đương nhiệm) Joe Biden và (ứng viên của đảng Cộng hòa) Paul Ryan đều được đánh giá cao hơn hẳn so với sếp của mình, với những ý tưởng rõ rệt chứ không chỉ là một loạt những lời hứa.
Nhưng liệu người Mỹ năm nay có còn để cho cái tai của họ quyết định gạch tên ai trong lá phiếu, sau khi họ đã và đang trải qua bốn năm với rất ít cải thiện về mặt kinh tế? Dường như là trong những năm đầu của thế kỷ 21 này, nước Mỹ vẫn chưa tìm ra được một người nói cũng hay mà làm cũng giỏi như Bill Clinton - người được cho là đã diễn thuyết hay nhất trong suốt gần hai tuần nước Mỹ cuốn vào 2 cuộc đại hội đảng.
Vui như đại hội đảng Mỹ
Cả hai đại hội đảng Cộng hòa và Dân chủ, người ta không đọc cương lĩnh mà dành thời gian ấy cho những lễ hội ngoài đường phố, cho những màn trình diễn ca nhạc bốc lửa (diễn ra xen kẽ các bài diễn văn). Thậm chí, cả hai đảng cùng tổ chức những giải Golf để các đại biểu tham dự lúc ban ngày trước khi họp vài tiếng buổi tối. Các đại biểu cũng không nói về những đường lối, lý luận. Giá trị gia đình là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất với mô típ là ông bà cha mẹ là dân nhập cư, làm việc ngày đêm để nuôi con cái (là các chính trị gia) biến những giấc mơ Mỹ thành hiện thực.
|
Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Mỹ)