Chuyện Hà Nội: Nỗi niềm những chiếc loa phường

Thứ Hai, 12/10/2015, 6:17 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Lịch sử của chiếc loa phóng thanh, một phương tiện phổ biến trong những năm hòa bình xây dựng, từng đặc biệt phát huy tác dụng những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, đến hôm nay đã là tròn 60 năm. Lịch sử loa phường oanh liệt thế và đến bây giờ nó vẫn còn sứ mệnh là thông tin công việc của địa phương, thông báo tình trạng vệ sinh môi trường...

Âm thanh vui nhộn của hệ thống loa phường góp vào đời sống sự hòa nhập thân thiện, nó đã thành một thói quen, một nếp sống. Tuy nhiên điều xảy ra và đang tranh cãi là nên tồn tại hay không hệ thống truyền thanh cấp phường?

Dân đô thị bây giờ nhiều người khó chịu với tiếng loa. Chẳng qua người ta thờ ơ với công việc hằng ngày ở địa phương hoặc là do đài phát thanh quá sớm hoặc quá muộn gây khó chịu cho ai đó không cần thông tin từ… đài phường.


Biết rằng cái gì cũng có tính lịch sử của nó. Nhưng tôi nghĩ rằng nó đã là một phần của lịch sử văn hóa của thành phố, của đất nước. Ngày xưa, đài phường báo tin máy bay, khẩn cấp báo động để dân xuống hầm trú ẩn.

Còn nhớ như in mỗi lần báo động là loa lại thông báo: "Đồng bào chú ý, Đồng bào chú ý! Máy bay địch đang vào thành phố. Đề nghị tất cả mọi người nhanh chóng vào hầm trú ẩn”.Rồi thì thông báo tuyển quân, rồi thông tin tiến độ cấy hái, thu hoạch mùa màng. Xưa chưa có tivi, cả radio cũng hiếm, thì loa phóng thanh là kênh thông tin, giải trí quan trọng nhất.

Tôi còn nhớ mỗi lần đi qua làng bản, phố phường nào đó, thấy dưới chân cột mắc loa phóng thanh hàng chục hàng trăm người dân tập trung chờ đến giờ nghe tin tức, đặc biệt hấp dẫn là chương trình ca nhạc, chương trình sân khấu truyền thanh, câu chuyện truyền thanh...

Nửa thế kỷ tồn tại và phục vụ thông tin, giải trí cho nhân dân, cho đến hôm nay, đài truyền thanh cơ sở xã phường vẫn còn cần thiết. Chính quyền phường coi đây là kênh thông tin quan trọng của mình trong điều hành, điều chỉnh những vấn đề của địa phương như thông báo việc cần triển khai, quy định mới về quản lý đô thị…

2. Tôi vốn nhiều năm qua phố Khâm Thiên và mê giọng đọc của phát thanh viên đài phường Thổ Quan. Ôi cái giọng nam trầm ấm áp, dứt khoát và thân thương ấy thật ấn tượng. Người đàn ông phát thanh viên ấy có giọng đọc trầm ấm diễn cảm y như giọng nghệ sĩ Việt Khoa năm nao trên Đài TNVN. Một giọng đọc dứt khoát, truyền cảm, rung động…

Phụ trách đài phường thường là cán bộ văn hóa phường kiêm luôn chức “Giám đốc” vừa là biên tập viên và cả phát thanh viên. Nhiều nơi phát thanh viên chỉ được hưởng phụ cấp ít ỏi, thậm chí có nơi “quy ra… thóc”.

Vai trò lịch sử của loa phường chưa kết thúc, và xin đừng ai ra quyết định từ bỏ nó vội. Thật rộn ràng khi nghe tiếng loa phát những bài hát yêu thích một thời. Bây giờ bùng nổ thông tin, rất nhiều phương tiện nghe nhìn đã thay thế, nhưng không vì thế mà nó hết vai trò lịch sử.

Hà Nội đang ngầm hóa hệ thống dây dẫn điện, cũng như cáp mạng và điện thoại. Riêng loa phường đến lúc không cần dây. Cái đầu thu sẽ được gắn vào loa để bắt tín hiệu và phát âm thanh thay cho dây nhợ loằng ngoằng như trước.

Tất nhiên nhiều nơi loa phường âm thanh chát chúa cần khắc phục, giờ giấc phát loa cần cân nhắc để khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

do dat  (06/02/2016 01:25:15)
tytomdo@gmail.com
bài viết trên đây thật ra của nhưng người không bị tra tấn bởi chiếc loa phường treo trên đầu nhà của họ,việc duy trì loa phường là quá thừa thãi,vô lý bởi các thông tin ở cấp phường tại Hà Nội đã được truyền tới từng hộ dân qua tổ dân phố và cụm dân cư , ngoài ra còn có bản tin, trang web của Ủy ban , cớ gì phải duy trì phương tiện quá lạc hậu , gây tiếng ồn phản cảm khi phát nhạc oang oang nhất là nếu gia đình khổ chủ dưới chân loa phường ấy đang có tang gia hoặc người ốm nặng ????? đấy là lý do đến tận hôm nay, không có bất cứ một văn bản nào từ thông tư nghị định đến pháp luật, quy định cụ thể về việc cho duy trì loa phường bởi nó vi phạm đến quyền tự do tiếp cận thông tin và gây ô nhiễm tiếng ồn vì phải phát to để kỳ vọng nhiều người nghe ???? Thủ đô là trung tâm văn hóa,tiếp cận thông tin nhanh nhất, hiện đại nhất, cớ gì phải duy trì hàng ngàn chiếc loa để cưỡng bức ngườidân phải nghe ??? đề nghị bở ngay loa phường tại các quận trung tâm thủ đô !
Minh  (12/10/2015 08:39:37)
daukhihangkhong@hotmail.com
Ngay cả khi công nghệ phát triển thêm nữa với chính phủ điện tử, khi mà những thông tin của phường có thể gửi đến những người dân trên địa bàn qua điện thoại thông minh (với giả định ai cũng có điện thoại thông mình)thì tôi tin những chiếc loa phường vẫn chưa chấm dứt hẳn vai trò lịch sử của mình. Vấn đề là cách và nội dung tuyên truyền thôi.
Minh  (12/10/2015 08:05:42)
minhnguyenht@gmail.com
Không nên coi chiếc loa phường là văn hóa riêng mà thực chất nó chỉ là một phương tiện truyền thông mà thôi. Khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, cái gì không còn phù hợp thì nên được thay thế
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến