Chuyện Hà Nội: Nổi chìm số phận những rạp chiếu phim

Thứ Hai, 14/12/2015, 7:19 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Người Hà Nội xưa nay có tiếng sành ăn sành chơi. Trong đời sống dẫu lúc phong lưu hay khi gian khó cơ cực thì người Hà Nội vẫn giữ phong thái ung dung, lãng mạn và hào hoa.

Bao nhiêu năm người thành phố gắn bó nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hay phim ảnh với mấy chục cái rạp hát và rạp chiếu phim. Hệ thống thiết chế văn hóa ấy đã đóng góp to lớn vào đời sống sinh hoạt văn hóa Hà Nội.

Thời hoàng kim của nghệ thuật (thập kỷ 1960 – 1980), khi đêm đêm tất cả rạp hát và rạp chiếu phim sáng đèn đón nghìn nghịt người đến xem. Có nhiều vở diễn hay, phim hay thì thường là cháy vé cả tuần. Đó là ký ức về những ngày tươi đẹp của đời sống văn hóa công cộng…

Đọc tờ “Thông báo: Kể từ ngày 23/11/2015, Rạp Dân Chủ - 211 Khâm Thiên sẽ ngừng hoạt động. Rạp Dân Chủ xin gửi lời cảm ơn tới quý khách đã ủng hộ rạp trong suốt thời gian qua. Cảm ơn các bạn”, tôi cảm giác có gì như là nỗi ngậm ngùi tiếc cho dĩ vãng…

Rất nhiều rạp ở Hà Nội vắng khách đành đóng cửa hoặc cho thuê làm dịch vụ khác. Chỉ còn rạp Tháng Tám và Ngọc Khánh còn sáng đèn đấy nhưng lèo tèo vài khán giả… Đành thôi. Xu thế phát triển phương tiện nghe nhìn quá nhanh khó cưỡng.


Rạp Dân Chủ ngừng hoạt động khiến nhiều người tiếc nuối

2. Còn nhớ đến cuối thập kỷ 1920, Hà Nội mới có rạp chiếu phim đầu tiên. Chỉ một vài rạp hát nhỏ phục vụ mỗi khi có gánh chèo hay tuồng Bắc có vở mới. Nơi chiếu phim đầu tiên có lẽ là buổi chiếu tại quầy Grand Café tại KS Metropole. Sau đó là sự xuất hiện rạp Pathé ngay đền Bà Kiệu sát Bờ Hồ. Để xây dựng rạp này người ta đã phá một phần đền Bà Kiệu.

Nhưng được vài năm, rạp bị phá để dựng bia Alexandre de Rodes. Thời hoàng kim, Hà Nội có đến trên 60 rạp hát và chiếu phim. Tuy còn là những kiến trúc đơn sơ, khán giả có khi phải ngồi ghế băng gỗ, hay thậm chí ngồi bệt dưới sàn, ngửa cổ lên để coi hát hoặc xem phim.

Từ năm 1959 trở đi, phần lớn rạp ở Hà Nội vào hợp doanh rồi chuyển sang nhà nước quản lý…

Một thời vàng son của các địa chỉ văn hóa ở Hà Nội nay đã sắp kết thúc. Chỉ còn Trung tâm chiếu phim quốc gia ở ngã tư Thái Hà - Láng Hạ và những rạp tư nhân là vẫn còn người đến xem.

Người xem phim rạp bây giờ chỉ còn là lứa tuổi thanh thiếu niên. Họ đến xem những phim yêu thích hoặc mời bạn gái - bạn trai đi xem như một cái cớ cho sự gặp gỡ…

Đã đến lúc phải quay theo xu thế để thay đổi công năng những thiết chế văn hóa cũ một thời. Đừng để lãng phí những không gian quý báu ấy và cả việc chuyển đổi công việc cho đội ngũ cán bộ nơi đây…

Cái gì cũng có tính lịch sử của nó. Xin đừng quá bi quan, tiếc nuối bởi cuộc sống luôn thay đổi. Hãy tin vào chiều hướng tốt đẹp!  

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Lão nông  (14/12/2015 08:55:09)
Huong.dang62@yahoo.com.vn
Thời hoàng kim của nghệ thuật tôi có người anh công tác ở Hà nội .Mỗi lần ra Hà nội được anh đưa đi xem phim ở rạp là phấn khởi lắm .Bây giờ rạp vắng , chuyển đổi công năng là chuyện thường tình .Phim Việt hay rất hiếm .Phim nước ngoài hay đã có trên truyền hình .Ngoài ra cái " mốt " dẫn nhau đến rạp cũng hết rồi .Tuổi trẻ bây giờ cũng có sở thích không cần đến rạp .Họ thích những đêm diễn mà ở đó họ cũng được bùng nổ như các nghệ sỹ .Số khác say mê với FB.Sự đổi mới về cơ chế kéo theo sự thay đổi ở nhiều lĩnh vực vì vậy không thể ngồi yên với tư duy cũ mà cần phải chấp nhận vận động để tồn tại và phát triển ...
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến