(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý: thành phố Hội An sẽ sớm hạn chế lượng khách tham quan tại Chùa Cầu ở số lượng không vượt quá 20 người mỗi đợt. Lý do: di tích này đang xuống cấp và ở vào tình trạng quá tải, khi mỗi năm qua vẫn đón khoảng 4000 lượt người/ngày.
Trong khi chờ giải pháp tối ưu cũng như đánh giá toàn diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc trùng tu, bảo vệ Di tích Lai Viễn Kiều (Chùa Cầu), thành phố Hội An sẽ sớm thực hiện việc hạn chế lượng khách tham quan nhằm chống quá tải cho di tích.
Trên 400 năm tuổi, Chùa Cầu Hội An đã trải qua 7 lần tu bổ trong lịch sử tồn tại. Và, việc hạn chế khách để bảo vệ kiến trúc này (đồng thời chuẩn bị cho lần tu bổ thứ 8), tưởng như cũng là điều rất bình thường .
Nhưng, nếu nhìn ở góc độ “sức chứa du lịch” của một vùng di sản , đó lại là câu chuyện khác.
Vắn tắt, sức chứa du lịch là khả năng đáp ứng hiệu quả nhất về nhu cầu tối đa của một lượng khách nhất định, trong giới hạn của nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép. Tất nhiên, sức chứa ấy được xác định từ các thuộc tính của di sản và nhu cầu của các nhóm xã hội, thay vì áp đặt chủ quan.
Trên lý thuyết, việc xác định sức chứa sẽ giúp phía quản lý tính được khả năng cung ứng của dịch vụ, đồng thời có sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù. Giống như với trường hợp Chùa Cầu - và rộng hơn là cả vùng phố cổ Hội An - một câu hỏi đang được nhiều người nhắc tới: Di sản này nên phục vụ tối đa bao nhiêu du khách mỗi năm? Và khi lượng khách có nhu cầu vượt quá con số ấy, phía quản lý sẽ chọn lựa giải pháp nào cho phù hợp?
Thực tế, hầu hết các di sản quan trọng tại Việt Nam vẫn chưa nghiên cứu (hoặc chưa công bố) một cách bài bản và khoa học về “sức chứa du lịch” cần có. Phần nào, sự chậm trễ ấy là hệ quả của quan niệm làm cũ: Quá chú trọng số lượng khách đại trà tới di sản và coi đó là chỉ số đầu tiên để đánh giá thành công trong khai thác du lịch.
Riêng với Hội An, nhiều chuyên gia từng bày tỏ lo ngại về sự phát triển du lịch quá nóng của di sản này - khi mà chỉ trong 5 năm kể từ 2013, lượng khách tới đây tăng vọt gấp 3 lần (từ 1,6 triệu lượt khách lên gần 5 triệu lượt khách).
Hoặc, “người hàng xóm” của Hội An là Cố đô Huế cũng ở vào trường hợp tương tự, khi trong một cuộc tọa đàm năm 2018, chính đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khẳng định: Lượng khách trung bình 7 triệu lượt/năm tại đây là khá cao, so với “sức chứa” tạm ước chừng 5 triệu lượt khách/năm của di sản này.
Rộng hơn, vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng hay khu du lịch Sapa cũng từng được xới lên những băn khoăn theo cách ấy.
***
Cần nói rõ, việc xác định “sức chứa” của di sản không phải là rào cản phát triển du lịch. Ngược lại, nếu có giải pháp hợp lý, phía tổ chức hoàn toàn có thể vừa bảo tồn, vừa nâng giá trị và nguồn thu.
Đơn cử, trước khi Sapa trở thành một điểm du lịch quá tải như hiện nay, đã có ý kiến đề xuất: Thị trấn vùng cao này nên được đầu tư theo hướng thành một điểm du lịch chất lượng cao với lượng khách chọn lọc để tăng nguồn thu. Khi ấy, nguồn kinh phí thu về sẽ được quay vòng, mở thêm các điểm du lịch sinh thái tương tự quanh đó, để góp phần tăng thêm lựa chọn cho du lịch đại trà.
Hoặc, với Hội An, nhiều chuyên gia cũng đề nghị tập trung phát triển không gian du lịch sinh thái tại các khu vực lân cận như làng dừa nước Cẩm Thanh, làng chiếu Triêm Tây hay làng rau Trà Quế. Sự phát triển ở những không gian ấy không chỉ cung cấp thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc, mà còn có vai trò kéo giãn mức độ lưu trú của khách du lịch ở vùng phố cổ trung tâm.
Không phải ngẫu nhiên, tại cuộc hội thảo lớn, những chuyên gia quốc tế nhiều lần nhắc chúng ta nên sớm nghiên cứu “sức chứa” của những di sản đang phục vụ du lịch, để từ đó đưa ra những chiến lược khai thác hợp lý và bền vững.
Câu chuyện Chùa Cầu lại một lần nữa là lời nhắc nghiêm túc cho thực tế ấy.
Sơn Tùng