(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày nay, người dân Thị xã Ba Đồn, Quảng Bình - một vùng quê vốn bé nhỏ, thơ mộng và bình yên, đã rúng động trước chuyện một cháu bé bị mất tích.
Cụ thể, theo ga đình trình báo, khoảng 20h00 ngày 3/7, cháu Trần Trung Nghĩa, sinh năm 2011, trú tại Trường Sơn, Quảng Long, Ba Đồn tha thẩn chơi trước sân nhà. Mẹ cháu là chị Dương Thị Thảo vào nhà nấu ăn, khoảng 30 phút sau quay ra sân thì không thấy con mình đâu. Gia đình tìm kiếm đến nay vẫn vô vọng. Cơ quan cách sát điều tra công an Ba Đồn đang tích cực xác minh và truy tìm cháu.
Với người dân vốn chất phác và cả tin, họ nghiêng về khả năng cháu bé bị bắt cóc. Thế nên, tin đồn cứ loang đi gây hoang mang cực độ cho nhiều người dân. Sáng nay, 6/7, người viết điện thoại ra cho chị Lan, Phó Thị đoàn Ba Đồn, cũng là bà con của cháu Nghĩa, xem tình hình. “Anh ơi, giờ nhà nào cũng sợ hãi nhắc nhở nhau phải canh chừng con em mình. Trẻ em cũng rất sợ khi ra đường. Bản thân em cũng còn hãi nếu ở nhà một mình. Mấy chục năm rồi Ba Đồn chưa hề xảy ra vụ trẻ em mất tích. Đang yên đang lành sao lại rối tung lên như thế này không biết”, chị Lan ngao ngán.
Đúng là không thể không sợ hãi, ám ảnh khi đột nhiên xảy ra sự vụ đột biến. Người dân miền Trung không lạ gì hình tượng ông Ba Bị, (ông Kẹ). Ông Ba Bị trong hình dung của những đứa trẻ, có bộ dạng kỳ dị "Ba Bị, 9 quai, 12 con mắt, chuyên bắt trẻ con". Hiện có một ông Ba Bị đang ám ảnh người dân Ba Đồn hiền lành.
Không biết nói gì, tôi chỉ động viên chị Lan bảo trước mắt cứ bình tĩnh, động viên bà con và gia đình, cần tư duy nhiều khả năng hơn là khả năng cháu bị bắt cóc. Như thế sẽ tránh gây nhiễu cho cơ quan điều tra.
Bởi khi số đông người dân chỉ nghĩ đến tình huống cháu bé bị bắt cóc, họ rất nhạy cảm, thậm chí căm phẫn, dễ “nhìn gà, hóa cuốc” mà trút hận. Nói đâu xa, khoảng 8h30 sáng 5-7 tại thôn 8, phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn), người dân phát hiện có 2 thanh niên lạ mặt xuất hiện. Một người mang theo bình xịt muỗi đi vào từng nhà hỏi có thuê xịt muỗi không. Một số người dân thấy nghi vấn bèn hô hoán có người bắt cóc trẻ em. Hai anh này bị dân đánh cho một trận thừa sống, thiếu chết.
Hai người này chỉ được “giải cứu” khi công an phường Quảng Phong cùng công an thị xã Ba Đồn có mặt. Hiện cả hai vẫn đang bị giữ tại Công an thị xã Ba Đồn để điều tra thêm. “Đấy là rơi vào thôn bên cạnh, nếu hai chú ni mà lạc vào thôn của cháu Nghĩa thì e rằng bị đánh đến chết”, chị Lan nói.
***
Nhiều trường hợp bị đánh oan, thậm chí chết oan, khi bị nghi bắt trộm chó, bắt cóc trẻ em. Mới đây, ngày 24/6, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn Clip dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh một người phụ nữ bị người dân Nam Đàn, Nghệ An vây lại, trong đó có một người còn dí con dao nhọn hoắt vào cổ người phụ nữ này và liên tục tra khảo về chuyện bắt cóc trẻ em.
Thời gian qua, tại tỉnh Sơn La xuất hiện tình trạng nhiều phụ nữ đi khỏi địa bàn không rõ lý do. Một số trường hợp đã được gia đình xác nhận là bị lừa bán sang Trung Quốc.
Những đoạn Clip trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt like, chia sẻ khiến người dân tỏ ra hoang mang và lo lắng. Nhưng kết quả, chị này thần kinh có vấn đề, đi lang thang. Cũng nhờ clip này, người thân đã tìm được chị và đưa về nhà. Chị là Nguyễn Thị Hương, 48 tuổi, Nam Định, bị mất tích hơn 2 năm qua.
Trẻ em không tự bảo vệ được bản thân, nên đối diện với quá nhiều rủi ro, nhất là trẻ em vùng quê. Mùa hè, các em hiếu động, nhiều trường hợp chết đuối, hoặc tai nạn thương tâm. Cho nên, cách tốt nhất là người lớn phải canh chừng, bảo vệ con mình.
Mặt khác, phải dạy cho các bé những kỹ năng tự bảo vệ mình. Trên bình diện rộng hơn, cần những hành động chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách khoa học hơn từ cộng đồng, nhà trường và chính quyền các cấp.
Hữu Quý