(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện “cấm kéo đàn tại Hồ Gươm” đang được đẩy đi quá xa, bởi những định kiến có sẵn trong suy nghĩ của độc giả.
Không phải ngẫu nhiên, kể từ khi được đăng tải vào tối 28/7, câu chuyện trên facebook của chị Hằng Karose lại khiến dư luận bức xúc đến vậy.
Theo lời Hằng, con trai chị, một em bé 15 tuổi, ra kéo vĩ cầm tại phố đi bộ Hồ Gươm với một mục đích rất trong sáng: gom tiền làm từ thiện.Và đáp lại sự trong sáng ấy, vẫn theo lời kể, là những lời nạt hộ, dọa dẫm của lực lượng bảo vệ tại phố đi bộ.
Dù quy định hiện hành yêu cầu phải xin phép nếu biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm, có lẽ bất cứ ai trong số chúng ta đều thấy chối tai và bất bình khi nghe lời kể của chị.
Bình luận của những người ủng hộ mẹ con Hằng đều thống nhất: với một đứa bé, cách hành xử cứng nhắc, thô bạo ấy sẽ để lại ở em một kỉ niệm rất xấu cho sự trong sáng của mình.
Tôi xin được chính thức rút lại lời nói thiếu căn cứ của tôi và xin được xin lỗi các anh. Sau khi đăng tải dòng trạng thái này, tôi sẽ trực tiếp đến gặp các anh để xin lỗi.
Nhưng chưa đủ, câu chuyện của chị Hằng hướng tới một điều mà hầu hết chúng ta mong đợi: cách hành xử lịch thiệp, có văn hóa của những người làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật hay thuộc cơ quan công quyền.Thẳng thắn, trong cuộc sống hiện tại, rất nhiều người đã trải nghiệm, và có những ấn tượng không hay, ở khía cạnh ấy.
Bởi thế, từ cảm xúc và định kiến sẵn có của mình, rất nhiều người đồng cảm và lên tiếng bênh vực Hằng. Đó mới là lý do để câu chuyện lan truyền trên không gian mạng với một tốc độ chóng mặt.
Cho dù, sự thật là, hầu hết cư dân mạng đều không có mặt ở đó để chứng kiến câu chuyện, mà chỉ biết tới qua lời kể.
***
Nhưng lẽ ra, không cần tới lúc chị Hằng Karose nói lời xin lỗi trên facebook, chúng ta đều vẫn có thể nhìn câu chuyện hợp lý hơn nếu bỏ qua những cảm xúc và định kiến nhất thời.
Tôi tạm không nói tới những thông tin về việc bố con cháu bé phản ứng và văng tục với lực lượng chức năng tại Hồ Gươm. Bởi, cũng như lời kể của Hằng, đó cũng là thông tin từ một phía khác và chưa được chứng minh bằng hình ảnh hay clip xác thực.
Nhưng, đọc những chia sẻ trên facebook của Hằng (và cả trên facebook của người được cho là chồng chị), tôi thấy cách hai anh chị nói về lực lượng bảo vệ tại Hồ Gươm không ổn.
Thẳng thắn, nếu gọi đúng tên, đó là sự kẻ cả và khinh khỉnh.
Vô tình hoặc hữu ý, trong cách lập luận của mình, anh chị đã hạ thấp và đặt lực lượng bảo vệ ở phía hoàn toàn đối lập với hoạt động nghệ thuật mang mục đích nhân văn của con trai.
Điều ấy là sai. Bởi, nếu sự bất cập trong ứng xử của lực lượng bảo vệ là có thật, thì nó càng cần được đáp lại bằng một văn hóa khác trong cách góp ý.
Dường như, cũng bức xúc từ cách nói của những người tự cho mình là thuộc tầng lớp elite (tinh hoa) ấy, nhiều ý kiến đã chỉ rõ: về mặt pháp luật, con trai của họ đã sai hoàn toàn và không thể lấy lý do khác để biện minh.
Và, nếu cho rằng hoạt động nghệ thuật của cậu bé là cao quý, thì tại sao họ không nghĩ được rằng việc đảm bảo tuân thủ pháp luật tại không gian công cộng cũng là cao quý?
***
Cũng cần nói thêm: chúng ta đang bức xúc về việc tuân thủ những quy định pháp luật một cách cứng nhắc – như câu chuyện “ông Hiếu phường Văn Miếu”. Nhưng, câu chuyện ấy khác với trường hợp này.
Nếu đã đăng ký với các cấp có thẩm quyền để giúp con trai mình đạt được nguyện vọng nhưng bị cản trở bởi những thủ tục quan liêu, máy móc, gia đình Hằng chắc chắn sẽ được sự ủng hộ tuyệt đối khi lên tiếng.
Có nghĩa, câu chuyện “cấm kéo đàn tại Hồ Gươm”, đang bị đẩy lên cao bởi quá nhiều định kiến. Định kiến về cách ứng xử của đội ngũ bảo vệ. Định kiến về các thủ tục quan liêu, máy móc. Và định kiến cả về cách nhìn của những người tự cho mình là tầng lớp elite so với mặt bằng chung.
Bây giờ, khi câu chuyện đã được dư luận chú ý, tôi tin cậu bé 15 tuổi kia hoàn toàn có thể được các cơ quan chức năng tạo điều kiện để kéo đàn ở Hồ Gươm, thậm chí là… giữ trật tự miễn phí cho show trình diễn của em.
Cái chính là những người trong cuộc có muốn gạt bỏ tự ái và cùng hợp tác để làm điều ấy?
Cúc Đường