(Thethaovanhoa.vn) - Bây giờ, vào mạng, mở tivi hay mở bất kì một trang báo được coi là đắt khách, nhất là dành cho giới trẻ, ta dễ dàng gặp từ HOT, một từ tiếng Anh làm định ngữ đi kèm với các từ tiếng Việt khác.
Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu từ tuần này, TT&VH khởi đăng mục "Chữ và nghĩa" với hy vọng có thể trở thành một diễn đàn nho nhỏ để cùng bạn đọc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Chẳng hạn: Một nghề đang “hot”, Tin “hot” nhất, “Hot” trên 100oC, Cuốn sách “hot” cần đọc, Người mẫu T.H. chơi ảnh “hot”, 10 cô gái “hot” nhất thế giới công nghệ, Mẫu dế (điện thoại di động) “hot” số 1 hiện nay, v.v... Đến nỗi, một cô bé mẫu giáo “nứt mắt” còn ngọng líu ngọng lô kia cũng dẩu mỏ khoe với bạn: Xem này! Tớ có toàn váy “hot” thôi nhé!
Hot trong tiếng Anh có tới 16 nghĩa. Nhưng nghĩa đen, nghĩa cơ bản, thông dụng nhất là “nóng, nóng bức” và theo đó là nghĩa hàm chỉ sự “nóng nảy, gay gắt, nhiệt tình, sôi nổi, kịch liệt…”.
Xem ra, từ NÓNG trong tiếng Việt cũng có những biểu hiện tương tự. Chúng ta có nóng trái nghĩa với lạnh, chỉ sự vật “có nhiệt độ cao hơn so với mức được cho là bình thường”: Trời nóng, nước nóng, trán nóng (sốt), quạt chạy lâu bị nóng,… Đồng thời, nóng nghĩa đen cũng phái sinh thành nghĩa bóng: Tính tình nóng nảy, tình hình nóng lên, vấn đề đang nóng trở lại, vay nóng - giật nóng (vay gấp, cần có ngay trong một thời gian ngắn), phạt nóng (công an phạt, căn cứ vào chứng cứ thực tế, thu tiền ngay tại hiện trường),...
Nếu đối chiếu song ngữ thì hot trong tiếng Anh và nóng trong tiếng Việt tuy cũng có nhiều nghĩa nhưng không có sự tương ứng “một đối một” (theo quy cách “gióng hàng”). Sự chênh lệch về nét nghĩa (16 của tiếng Anh so với 6 của tiếng Việt) đã nói lên điều này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiếng Việt kém cỏi so với tiếng Anh và càng không phải là tiếng Việt ta chịu “bó tay” không tìm ra từ tương đương nếu có kết hợp tiếng Anh khác nghĩa xuất hiện. Không thiếu gì từ ghép Anh chính hiệu vẫn được dịch sang Việt một cách “ngon lành”: Hot news: tin nóng, hotline: đường dây nóng, hot player: cầu thủ (hay vận động viên) được kì vọng đặc biệt (trong giai đoạn nóng bỏng của giải đấu), hot music: Nhạc giật gân,… Giả sử, có một cấu trúc lạ mà dân Anh - Mỹ mới sáng tạo ra thì rồi sớm muộn dân sành tiếng Việt cũng sẽ chọn ra từ thích hợp mà không hề vấp phải nhiều trở ngại lớn. Về chuyện này, nhà ngữ học - dịch giả Cao Xuân Hạo từng nói rằng: “Đã là ngôn ngữ tự nhiên thì ngôn ngữ nào cũng sẽ tìm ra cách diễn đạt những cấu trúc đặc biệt của ngôn ngữ khác mà bản thân ngôn ngữ mình không có hoặc không quen sử dụng”.
Ấy vậy mà bây giờ, cứ như một thứ mốt ngôn ngữ thời thượng, từ hot đang bị lạm dụng một cách quá đà. Bất luận cái gì được coi là mới, là sành điệu, là cần tạo sự chú ý, người ta đều lôi ngay “hot” ra để “khoe” và để “doạ”: Alô! Nhạc “hot” đây!, Hàng “hot” chính hiệu trên 100%, Ai hot nhất trên bản đồ teen tuần này? T.T. đang là hot girl tuổi hồng, Một cô gái có thân hình “hot” hiếm có,… Cần lưu ý một điều, trong tiếng Anh hot khi kết hợp với girl, boy hay các từ chỉ người dễ tạo nên nghĩa xấu (hot: bốc lửa, gợi dục, dâm dật, ăn chơi trác táng,…). Không ít các chàng trai, cô gái nghiêm chỉnh của ta phải khóc dở mếu dở khi bị báo chí gán thêm từ hot vô tội vạ kia. Có thể là người viết vô tình, vì họ chỉ dùng với thái độ thiện chí, muốn “tung hê” đối tượng một cách mới lạ, cốt sao cho “long lanh, hoành tráng”. Nhưng cảm quan ngôn ngữ thông thường rất có thể làm cho người nghe, người đọc hiểu sai lệch (mà thực tế, nhiều người hiểu theo nghĩa không hay).
Chà, yêu nhau mà như thế thì đúng là “bằng mười phụ nhau”: Nghe em “hot” mà anh buồn lòng/ Hot nhiều quá chúng mình thành hai ngả…
PGS-TS Phạm Văn Tình