Chữ và nghĩa: 'Tên cúng cơm' là tên gì?

Thứ Tư, 16/10/2019, 7:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tên này hiển nhiên là được sử dụng với một người nào đó khi đã từ biệt cuộc đời sang thế giới bên kia. Bởi “cúng cơm” là một nghi lễ mà người thân thực hiện để cúng người mới mất vào các bữa ăn (theo phong tục) trong 49 ngày đầu.

Chữ và nghĩa: 'Quá đát', 'hết đát'… vẫn dùng đấy thôi!

Chữ và nghĩa: 'Quá đát', 'hết đát'… vẫn dùng đấy thôi!

“Đát” ở đây dĩ nhiên không phải là một từ thuần Việt. Trong tiếng Việt xưa nay, “đát” chỉ có mặt là một thành tố trong kết hợp duy nhất là “bi đát”. “Đát” trong “quá đát” là cách phát âm (dù chưa chuẩn) của một từ tiếng Anh: date, có nghĩa là ngày (tháng).

Chắc nhiều người nghĩ rằng, tên cúng cơm chính là tên thật (tên thường gọi) của ai đó. Bởi ta vẫn thường thấy “các cụ” khi cúng người chết bằng cách xướng chính tên người đó (vẫn được gọi hàng ngày khi còn sống) trong bài khấn.

Nhưng thực tế không hẳn thế. Không hẳn thế tức là có sự khác biệt trong quan niệm và cách hành xử với “tên cúng cơm” trong dân gian.

Với người Việt (và nhiều dân tộc phương Đông khác, điển hình là Trung Quốc), mỗi người sống trong nhân gian có không dưới 5 loại tên: tên chính, nhũ danh, tên tự, tên hiệu, tên húy, tên tục, tên thụy… Tất nhiên, mỗi một tên lại có chức năng và giá trị khác nhau.

“Tên chính” (hay tên thật, tên thường gọi) là tên chính thức đặt cho ai đó sau khi sinh, được đăng ký khai sinh, vào sổ hộ tịch và được coi là cái tên có tính pháp lý.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Nhũ danh” là tên đặt cho đứa trẻ lúc mới sinh. Có người nói “nhũ danh” chỉ dùng cho phụ nữ. Không phải. Mọi đứa trẻ đều có quyền được đặt nhũ danh. “Nhũ” ở đây chỉ “cái vú”, hàm ý tên của “trẻ đang còn bú mẹ”.

“Tên tục” là tên cha mẹ đặt cho con lúc mới sinh, còn rất nhỏ, thường xấu xí, theo quan niệm là vì tên trẻ mang nghĩa xấu, không hay thì mới tránh được sự chú ý, quấy phá của ma quỷ. Bây giờ tên loại này đã giảm nhiều chứ ngày xưa có những đứa trẻ tên xấu tệ xấu hại, đến nỗi người ngoài nghe nói phải đỏ mặt.

“Tên tự” (hay tên chữ) là tên đặt bằng từ Hán Việt và thường dựa vào nghĩa của tên vốn có (phổ biến trong giới trí thức thời trước, các nhà Nho). Chẳng hạn, tên tự của Nguyễn Du là Tố Như, của Nguyễn Đình Chiểu là Mạnh Trạch, Nguyễn Công Trứ là Tồn Chất…

“Tên hiệu” là tên tồn tại bên cạnh tên vốn có, do những người trí thức thời phong kiến tự đặt thêm cho mình (thường là một từ Hán Việt có ý nghĩa được lựa chọn theo ý nguyện, sở thích). Chẳng hạn, Nguyễn Trãi có hiệu là Ức Trai, Lê Hữu Trác có hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, hay tên hiệu của Đoàn Thị Điểm là Hồng Hà Nữ sĩ…

“Tên thuỵ” là tên thời phong kiến chỉ dùng đặt cho những ai có sự nghiệp, công trạng đáng kể sau khi mất.

“Tên húy” là tên do cha mẹ đặt cho con từ lúc còn nhỏ, sau khi trưởng thành sẽ được thay bằng tên khác và thường kiêng tránh không nhắc hay gọi đến.

Trở lại “tên cúng cơm” (còn gọi là “tên hèm”) là tên đặt cho một người đã mất nào đó ở thời điểm 3 ngày sau khi mất (có nơi tính 3 ngày sau khi chôn). Lễ cúng 3 ngày, còn gọi là Lễ tế ngu hay Lễ Mở cửa mả. Ngày trước, tên này chỉ đặt cho người thuộc gia đình quyền quý, người thường không được đặt.

Cách thức đặt tên cúng cơm cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt theo phong tục (chẳng hạn, phải theo cấu trúc “X + Phủ quân” (nếu là đàn ông), “X + Nhụ nhân” (nếu là đàn bà); người trên 50 tuổi mới được đặt kèm chữ Phúc, dưới 50 tuổi không được dùng chữ này…). Sau khi mời thầy cúng tới làm lễ và đặt tên, văn bản tên cúng cơm được đặt trong bài vị người mất và sẽ được người nhà xướng lên khi bái lạy lúc dâng cơm vào bữa.

Tên này theo quan niệm là rất trang trọng và thiêng liêng, chỉ người thân mới biết. Người ngoài biết là điều tối kỵ. Bình thường ai đó (không phải họ hàng thân tộc) mà nhắc đến sẽ đem lại rủi ro (theo quan niệm). Hoặc rất có thể người ta sẽ dùng tên này để làm những điều không hay. Không ít trường hợp khi thù ghét nhau, người ta cứ lôi tên cúng cơm nhà nọ ra réo để bêu riếu hay nhục mạ. Thật là một hành vi phản cảm, kém văn hóa.

PGS-TS Phạm Văn Tình

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến