Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Thứ Tư, 1/4/2020, 8:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là một câu thành ngữ quen thuộc và được thống kê trong nhiều cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Về cơ bản, ngữ nghĩa của thành ngữ này cũng được giải thích tương tự nhau.

Chữ và nghĩa: 'Dương tính' - nỗi lo nhân loại

Chữ và nghĩa: 'Dương tính' - nỗi lo nhân loại

Dương tính, một từ đang làm cho mọi người Việt Nam bây giờ phải giật mình e sợ mỗi khi nghe đài, xem tivi hay vào mạng. Cứ mỗi ngày, con số bệnh nhân được xét nghiệm Covid-19 (trên thế giới và ở Việt Nam) có kết quả dương tính tăng lên lại khiến cộng đồng rùng mình. Chỉ 2 âm tiết đơn giản thế thôi, dương tính là tín hiệu đáng sợ của đại dịch mang tính toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt.

Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) cho rằng, “Máu chảy ruột mềm” dùng để "ví tình máu mủ ruột rà, thương yêu đùm bọc nhau, chia sẻ với nhau những nỗi đau khổ". Trong cuộc sống, không hiếm khi những người thân của ta rơi vào những hoàn cảnh buồn đau, do gặp những rủi ro, mất mát về thể xác, tinh thần hay của cải vật chất. Chắc mọi người còn nhớ lời Thúy Vân nói với chị mình (là Thúy Kiều) khi gia đình gặp gỡ đoàn viên sau 15 năm lưu lạc, có câu:

Gặp cơn bình địa ba đào

Mà đem duyên chị buộc vào duyên em.

Cũng là phận cải duyên kim

Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?

Thúy Vân muốn nói tới sự thông cảm của mình trước nỗi đau của gia đình Vương Ông mà hậu quả dẫn đến bi kịch là nàng Kiều phải bán mình để giải thoát cho cha và đem lại sự yên ổn cho cả nhà. Thúy Vân đã dám nhận trách nhiệm "nối duyên" với Kim Trọng để chị mình "giữ chữ tín" khỏi mang tiếng là người quên lời "thệ hải minh sơn". "Máu chảy ruột mềm" mà Thúy Vân nhắc tới là sự xót thương và sau đó là sự sẻ chia trách nhiệm của nàng.

Nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng của thành ngữ này là như vậy. Nhưng xét về nghĩa đen, nghĩa là căn cứ hình thành nên nghĩa bóng thì có chuyện phải bàn. Đó là, có phải người ta khi xảy ra hiện tượng mất máu (máu chảy) thì tự nhiên ruột sẽ mềm ra không?

Chú thích ảnh
Hành khách đi từ vùng dịch về đang đợi các cơ quan chức năng đọc tên để vào khu vực cách ly tại sân bay. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ruột cũng như mọi bộ phận của cơ thể con người, rất cần có máu để duy trì mọi hoạt động. Khi bị thương vì sự cố nào đó (ngã, tai nạn giao thông, bị bom đạn...) chắc chắn người ta sẽ bị mất máu. Có thể có người mất nhiều, người mất ít, nhưng theo Bác sĩ CKII Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu - thì bình thường, ruột của con người ta đều mềm. Còn nếu không may bị mất máu, thì biểu hiện rõ nhất là áp huyết sẽ tụt, toàn thân cơ bắp bủn rủn, thần kinh ảnh hưởng, sẽ thấy sây sẩm mặt mày và mọi suy nghĩ sẽ kém sáng suốt. Lúc ấy, mọi hành động sẽ không còn tự chủ được nữa.

Như vậy, chuyện "ruột mềm" cần phải được giải nghĩa theo hướng khác. Có lẽ, "ruột" này là ruột của người khác chứ không phải là ruột của người đang trong tình trạng thương tổn (dẫn đến mất máu). Khi những người ruột thịt (như cha mẹ, anh em...) gặp rủi ro thì người thân của họ sẽ buồn, sẽ xót xa, thương cảm. Họ sẽ thấy đau đớn trong lòng mình. "Ruột" ở đây hàm chỉ tấm lòng, là biểu tượng cho sự chịu đựng về tình cảm của con người. “Sốt ruột, não ruột, đau đứt ruột...” đều là những nỗi niềm khổ đau, trăn trở...

Chú thích ảnh
Hà Nội đưa người từ nước ngoài trở về Việt Nam vào khu cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN

"Ruột mềm" cũng giống như "mềm lòng" vậy. Cách giải nghĩa của Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) là "Hễ máu (người thân) chảy ra là lòng những kẻ cùng dòng máu ắt sẽ dễ mềm ra" chỉ đúng một phần. Cũng bởi, phạm vi "máu chảy" ở đây rộng hơn, nó bao hàm mọi điều không hay, bất hạnh nói chung. Mà đâu chỉ có "những người cùng dòng máu" xót thương. Những người khác trong cộng đồng khi chứng kiến cũng động lòng trắc ẩn, cảm thông và thương cảm chứ?

Hiện nay, bệnh dịch Covid-19 đang lây lan và gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều bác sĩ trên khắp thế giới đã sẵn sàng xả thân, không ngại hiểm nguy, liều mình cứu chữa bệnh nhân. Chính họ đã phải nhận về rủi ro, có khi cả tính mạng của mình.

Ở đời "máu chảy ruột mềm"

Tình thương nhân loại không quên điều này...

PGS TS Phạm Văn Tình

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến