Chữ và nghĩa: Ăn vã và ăn dỗ mồi

Thứ Tư, 15/1/2020, 6:58 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn đã từng nghe nói tới từ “ăn vã” chưa? Tôi tin là nhiều người đã nghe và chính họ đã từng “ăn vã” một cái gì đó. Chúng ta vẫn nghe, đại loại: “Chờ cơm mãi chả thấy, cô nàng cứ thế ăn vã hết đĩa rau”; hay “Chỉ hai anh em mà ăn vã sạch nửa kí thịt ba chỉ luộc chấm mắm tôm” v.v...

Chữ và nghĩa: Nổi (máu) tam bành - Chị em nhà ta khiếp thật

Chữ và nghĩa: Nổi (máu) tam bành - Chị em nhà ta khiếp thật

Các bạn đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hẳn không quên mấy câu thơ: “Mụ nghe nàng nói hay tình, Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên”.

Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) định nghĩa từ này là “ăn vã đg. chỉ ăn thức ăn, không ăn cùng với cơm”. Bình thường vào bữa ăn trong mỗi gia đình Việt Nam, món cơm (nấu từ gạo) là món chính. Nhưng đó mới là “điều kiện cần”.

“Điều kiện đủ” để đưa cơm là phải có thức ăn: các món rau (luộc, xào, canh…), các món thịt, cá (luộc, kho, rán…), các món tương cà mắm mặn… đều có thể là thức ăn trong mâm cơm mỗi gia đình. Cơm là thức ăn chính. Song một bữa ăn tươm tất theo đúng nghĩa thì phải đủ các món ăn kèm tuỳ theo khẩu vị (có món rau, có món giàu chất đạm, có món mặn, có món nhạt).

Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) có thống kê hơn 50 tổ hợp có thành tố “ăn” trong kết hợp (ăn cánh, ăn chay, ăn chơi, ăn cướp, ăn gỏi…). Trong tổ hợp “ăn vã” thì thành tố “vã” đúng là có vấn đề.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vương Lộc (trong Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng, 2001) cho “vã” là một từ Hán Việt (kết hợp hạn chế) chỉ “mặt đất, đất liền” và lấy ví dụ: “Hai lần chúng ta gặp phải kẻ cướp thủy, cùng kẻ cướp vã” (Sách sổ sang chép các việc); “Đi vã cho đến đất Ma Cao” (Nhật trình kim thư). “Vã” này gần nghĩa với 2 nét nghĩa mà Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) có thống kê: “1. [đi lại] trên bộ và không có phương tiện [thường là đường dài, vất vả], VD: đi vã hàng chục cây số; 2. [nói năng] kéo dài mà không có nội dung, không có mục đích thiết thực, VD: nói vã, chửi vã, cãi vã…”.

Có lẽ, nét nghĩa “không đâu vào đâu” của “vã” đã tích hợp làm nên ngữ nghĩa của “ăn vã” mà chúng tôi vừa dẫn ở trên.

Tiếng Việt còn có một từ “anh em đồng hao” với “ăn vã” là “ăn dỗ mồi”. Từ này cũng quá quen nhưng hơi lạ là nó lại chưa có mặt trong Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) mà nguồn gốc là cuốn Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên. Trung tâm Từ điển học xác nhận từ này “không những chưa có mà cũng chưa xuất hiện trong kho ngữ liệu”. Không có ngữ liệu rõ ràng thì không một nhà từ điển nào “dám” bổ sung vào kho ngữ vựng cả. Cũng may, là trong 2 cuốn từ điển khá gần đây (1 do Văn Tân chủ biên, 1 của Nguyễn Lân) có thống kê giải nghĩa từ “ăn dỗ mồi”. Cụ thể:

Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, 1991) giải nghĩa: “ăn dỗ mồi đg. Nói trẻ ăn nhiều thức ăn mà ăn ít cơm”. Còn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân, NXB TP Hồ Chí Minh, 2000) lại giải nghĩa: “ăn dỗ mồi trgt. 1.Nói khi câu, thấy cá chỉ rỉa mồi chứ không cắn vào lưỡi câu. VD: Lũ cá mương chỉ đớp dỗ mồi thôi. 2.Nói trẻ em chỉ ăn thức ăn chứ không chịu ăn cơm. VD: Bón cho nó, nhưng nó chỉ ăn dỗ mồi thôi”. Theo Nguyễn Lân, thì nghĩa thứ nhất bắt đầu từ chuyện “câu cá” (cá ăn dứ mồi chứ không cắn câu) và dẫn đến nghĩa thứ hai (trẻ em chỉ ăn thức ăn mà bỏ cơm).

Ta thấy, “ăn vã” là một kiểu ăn. Nó ít xảy ra nhưng là chuyện bình thường (bất luận ai, già trả gái trai đều có lúc rơi vào hoàn cảnh “ăn vã”). Nhưng “ăn dỗ mồi” chỉ xảy ra với trẻ em. Không ít trẻ lười ăn, hoặc có thói quen chỉ ăn thức ăn ngon theo sở thích chứ không chịu ăn theo lối thông thường (ăn cơm kèm với lượng thức ăn vừa phải, không quá nhiều, đủ ngon). Người lớn thường nhắc: “Con cứ ăn dỗ mồi thế thì bát sau chẳng còn thịt nữa đâu”; “Hư quá! Ăn dỗ mồi vừa vừa chứ. Không để phần cho bố mẹ ăn nữa à?”; “Nó quen cái thói dỗ mồi. Bữa nào ít thịt cá là nó bỏ cơm cả bát” v.v…

Như vậy, “ăn dỗ mồi” là một thói quen xấu mà người lớn cần phải uốn nắn con trẻ. Nó không chỉ nhắc nhở chúng ta biết tiết kiệm thức ăn mà còn có ý nghĩa giáo dục trẻ: Ăn sao cho phù hợp với dinh dưỡng tự nhiên và phù hợp với điều kiện sống. Ăn cho sướng miệng, không biết trông trước trông sau, không biết nhường nhịn, trái với lẽ thường là một cách ứng xử kém văn hóa.

PGS-TS Phạm Văn Tình

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến