(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần một tuần trôi qua, kể từ khi Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phía trước vẫn còn một chặng đường gian nan nữa phải vượt qua.
Bộ Y tế đã có công điện số 1176/CĐ-BYT gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
Khi bạn đọc tiếp cận bài báo này, số lượng ca nhiễm tính đến buổi sáng ngày hôm nay (3/8) của Đà Nẵng nói riêng, đã được cập nhật. Dù tăng hay không, người Đà Nẵng cũng đã xác định mọi con số lúc này chưa thể hiện hết những phức tạp trên mặt trận chống dịch. Tâm thế sống chung và chiến đấu với dịch như với giặc, lâu dài, đã là mẫu số chung. Có lẽ nhiều người ở trong vùng dịch như tôi cần phải bám vào những cơ sở niềm tin để tiên lượng Đà Nẵng có sớm vượt qua được đại nạn, khi con virus cứ ẩn tàng như bóng ma?
Niềm tin thứ nhất, người dân Đà Nẵng sẽ không "đói, khát", khi cả nước số ca nhiễm vẫn khiêm tốn so với thế giới. Bằng chứng là tuần qua, nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cũng như từ các tổ chức thiện nguyện đổ về Đà Nẵng rất lớn.
Đà Nẵng đã cơ bản làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly. Nếu việc xét nghiệm tất cả công dân Đà Nẵng được tiến hành nhanh chóng, việc tiễu trừ các nguồn dịch sẽ dễ dàng bởi Đà Nẵng rất chặt chẽ trong công tác quản lý con người. Nói đến đây lại lo cho các địa phương bởi số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng, trở về trong tháng 7 vừa qua là quá lớn.
Thành phố bên sông Hàn cũng còn rất nhiều không gian, công trình có thể hoán cải thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly, nếu cần thiết. Cự ly từ đó về trung tâm thành phố không xa.
Nhưng, một niềm tin nổi bật rõ nhất, là sự tương thân tương ái của người dân Đà Nẵng. 20 năm sống chốn này, chứng kiến nhiều vụ thiên tai, nhưng đây là lần tôi cảm nhận sâu sắc nhất tình người Đà Nẵng dành cho nhau. Thường những lúc hiểm nghèo mới bộc lộ phẩm cách, khí chất. Người dân Đà Nẵng đã làm lay động con tim nhiều người với những hành động đẹp...
Nếu nói đâu là nỗi lo lớn nhất, có lẽ nằm ở năng lực khám chữa bệnh, hệ thống máy móc, trang thiết bị vật tư, bởi ngành y tế của Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn. Việc chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 vẫn cần thêm thời gian kiểm chứng, nhất là khi số lượng ngày càng nhiều. Rất mừng là cả ngành y tế đã và đang tương trợ hết mình cho Đà Nẵng cả về nhân lực và vật lực.
Nhưng, thực trạng khó khăn nào cũng có hai mặt. Tôi nghĩ đây là đợt thử lửa mang tính tầm cỡ với chính quyền và nhân dân thành phố bên sông Hàn, kể từ khi tách tỉnh (1997). Hơn lúc nào hết, lãnh đạo Đà Nẵng cần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, sự năng động để lo cho dân. Lo cho Đà Nẵng không chỉ trong đợt dịch, mà còn vượt qua dịch như thế nào trong thời gian tới. Danh sách nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sát cánh cùng Đà Nẵng ngày càng dài thêm, nhưng tôi biết họ cũng đang vật vã trong cơn tai biến này. Bao nhiêu lao động mất việc làm, bao nhiêu hộ đã nghèo càng thêm chao đảo vì Covid-19.
Tất cả đang là thách thức to lớn đối với lãnh đạo Đà Nẵng. "Từ phen đá biết tuổi vàng", dân Đà Nẵng đang chờ đợi trong cơn hoạn nạn sẽ phát lộ được những lãnh đạo giàu phẩm chất, thực sự vì dân vì nước.
Dù gì đi nữa, Đà Nẵng vẫn là thành phố "đặc biệt", hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một "con rồng" đúng nghĩa. Hy vọng thàng phố sẽ nhanh chóng gượng dậy, bật vọt với những kế hoạch lớn phía trước. Chẳng hạn, nhìn về tương lai, Thành phố sẽ cần phải chuẩn bị tốt cho việc triển khai Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (đã được Quốc hội thông qua vào chiều 19/6).
Chúc độc giả một tuần mới vui vẻ và không quên cầu nguyện những điều tốt lành cho cuộc chiến chống Covid-19 ở "thành phố đáng sống" Đà Nẵng cũng như trong cả nước và trên thế giới.
Hữu Quý