(Thethaovanhoa.vn) - Nếu theo đúng lịch hàng năm thì tuần này, học sinh trên cả nước chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ Hè, được ở nhà vui chơi, đi du lịch cùng gia đình hoặc là tham gia các trại Hè, còn học sinh lớp 12 thì chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia... Nhưng do đại dịch Covid-19 bùng phát cho nên giờ đây, khi mà nắng nóng đã xuất hiện, hoa phượng đã nở cùng với tiếng ve nhưng thầy và trò cùng các gia đình vẫn đang phải cùng nhau chạy đua, cố gắng kết thúc năm học vào ngày 15/7, tiếp theo là kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8...
Sáng 11/5/2020, học sinh khối các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường đi học bình thường sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng trong những ngày này, các phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La đang và sẽ được mở. Có thể cảm nhận sức nóng của một mùa Hạ trong giáo dục.
Học sinh đã trở lại trường được khoảng 1 tuần. Cho dù nội dung dạy học đã được tinh giản theo quy định của Bộ nhưng đối với những học sinh cuối cấp, việc học liên tục gần như là sự bắt buộc. Bởi vì nếu không như thế thì khó có thể đảm bảo được lịch thi chuyển cấp theo kế hoạch. Và như thế năm nay, các em sẽ phải trải qua một học kỳ trong mùa Hạ.
Đi học trong những ngày Hè thì chuyện vất vả là đương nhiên rồi. Mà khó khăn đầu tiên là chuyện thời tiết. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo Hè năm nay, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C; riêng tháng 5/2020 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C so với giá trị trung bình cùng thời kỳ.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thế, việc đưa đón con em đi học là vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng. Điều này cũng phải thôi, khi mà giờ đây các phương tiện giao thông sau thời gian giãn cách xã hội đã được phép trở lại hoạt động vì thế vấn nạn tắc đường, kẹt xe tại các thành phố lớn lại tiếp diễn, chưa có dấu hiệu thay đổi nhất là vào những khung giờ cao điểm, lúc tan tầm làm việc hoặc là khi trời mưa.
Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh, đó chính là học phí. Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc, công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.
Thực tế thì vẫn còn một số trường, nhất là những trường ngoài công lập vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung giữa nhà trường và gia đình học sinh, chưa có được sự đồng thuận trong vấn đề thu chi khi học sinh quay trở lại trường. Đó cũng là những trăn trở.
Khó khăn vất vả như thế, nhưng tâm lý chung ai cũng mong muốn cố gắng bù đắp kiến thức cho các em trong giai đoạn nghỉ chống dịch. Đối với những em năm nay thi hết cấp 3, tiếp tục đăng ký tuyển sinh đại học - cao đẳng thì đúng là “trồng cây sắp đến ngày ăn quả”, vì vậy học kỳ trong mùa Hè thế này càng cần phải có sự hỗ trợ động viên tinh thần cho các em vững tin vượt qua thử thách.
Và để gây dựng lòng tin cho các em và gia đình, cách tốt nhất cần phải làm chính là làm trong sạch môi trường giáo dục, đặc biệt là phải kiên quyết loại bỏ những tiêu cực trong các kỳ thi. Nếu không làm được điều này thì những cố gắng phấn đấu của thầy và trò đều trở nên vô nghĩa.
Chính vì vậy cho nên khi vụ việc gian lận thi cử năm 2018 tại Hòa Bình được đưa ra xét xử từ hôm 11/5/2020, rất nhiều người quan tâm theo dõi. Dư luận mong chờ một bản án thích đáng, đúng người đúng tội dành cho các bị cáo.
Những gì một số bị cáo nói trong phiên tòa để lại nhiều ám ảnh. Như lời bị cáo Lê Thị Hồng - cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ: “Hôm nay bị cáo thấy rất nhục nhã, rất đau buồn. Tất cả anh chị em ở đây là giáo viên, bao nhiêu năm cống hiến cho ngành giáo dục”...
Còn bị cáo Bùi Thanh Trà, 40 tuổi, cựu giáo viên trường THPT Lương Sơn, đã trình bày trước tòa như thế này: "Tôi chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học, mở ra cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời". Hành vi gian lận này của bị cáo không biết có “mở ra cánh cửa cuộc đời” cho học trò hay không, nhưng nó "góp phần” khép lại “cánh cửa niềm tin” của mọi người dành cho thi cử.
Chưa biết cái kết cuối cùng dành cho các bị cáo sẽ như thế nào? Nhưng tôi hy vọng rằng kết quả của phiên tòa này sẽ phần nào lấy lại niềm tin vào giáo dục, thi cử cho các thầy cô và các em học sinh trong một học kỳ đặc biệt của năm học này: Học kỳ trong mùa Hạ.
Quốc Khánh