Chào tuần mới: Bâng khuâng trước ngày khai giảng

Thứ Hai, 31/8/2020, 7:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong tuần này, chính xác là ngày 5/9, lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ được tổ chức khắp cả nước. Thật hiếm khi, ngày tựu trường và lễ khai giảng lại đặc biệt như năm nay.

Thư gửi robot Citizen: Chuyện kể trong ngày khai giảng

Thư gửi robot Citizen: Chuyện kể trong ngày khai giảng

Sophia thân mến! Một năm học mới tại Việt Nam của chúng tôi đã bắt đầu. Gia đình, nhà trường cùng cả cộng đồng, tất cả đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho các em ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.

Đà Nẵng của tôi (tính đến thời điểm bài báo này lên khuôn) vẫn còn nằm trong diện địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nên các cơ sở giáo dục đành phải tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến…

Kể ra, thành phố bên sông Hàn thiệt thòi so với các địa phương không thực hiện giãn cách. Tôi cũng lấy làm tiếc nuối, khi không được cùng con thơ tung tăng sân trường dự lễ khai giảng như mọi năm. Ở đó, những ký ức êm đềm thuở thơ ấu lại đâm chồi trong tim. Nhưng, đời học sinh, lễ khai giảng còn nhiều, mà sinh mệnh chỉ có một. Cho nên, sự an toàn là trên hết.

An toàn, thiết nghĩ khái niệm đó cần mở rộng nội hàm, không chỉ phạm vi phòng ngừa dịch Covid-19. Bởi, gửi con cho nhà trường, thầy cô cả ngày, dĩ nhiên các phụ huynh đã ký thác niềm tin và hy vọng về mức độ an toàn. Trong khi thực tế, môi trường học đường, nhìn rộng ra là môi trường giáo dục, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đảm bảo sự "an toàn" tương đối cho con em chúng ta.

Từ chuyện an toàn vệ sinh, thực phẩm; vấn nạn bạo lực học đường; bệnh thành tích, đến chất lượng dạy và học... luôn khiến các phụ huynh trăn trở. Trong khi, các khoản chi phí phải đóng mỗi năm thêm dài ra. Đường đến cổng trường đại học đã khó, tìm được việc sau khi có tấm bằng cử nhân càng gian lao hơn.

Chú thích ảnh
Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng

Là những phụ huynh, có lẽ mỗi chúng ta sẵn sàng đánh đổi tất cả, miễn sao con em được hưởng thụ một môi trường giáo dục "an toàn", tiên tiến, văn minh. Ở đó, trí thức và "nhân thức" được hun đúc, "trí", và "khí" được khai phóng. Thực tế, nhiều nhà có điều kiện chọn giải pháp cho con du học nước ngoài. Bao nhiêu nhân tài khi thọ giáo ở trời Tây đã muốn bám trụ xứ người?

Chúng ta không nên đau lòng mà nên nhìn ở khía cạch tích cực, để giúp ngành giáo dục phấn đấu làm mới mình nhiều hơn.

***

Đất nước còn khó khăn, nên những mong ước trên của một phụ huynh như tôi là xa xỉ. Nhưng chúng ta không nên trút hết trách nhiệm dạy dỗ con em cho nhà trường. Mà bản thân mỗi gia đình phải hành động vì giáo dục.

Thực tế, đã có nhiều tấm gương tự phấn đấu mà thành tài. Thế hệ trẻ hiện tại rõ ràng đang được tạo nhiều cơ hội phát triển toàn diện. Các em ngoài thể trạng được cải thiện, ý thức kỷ luật, chỉ số văn minh cũng tiến triển đáng mừng. Không tin khi chở con trẻ đến ngã tư đèn đỏ, bạn thử bộc lộ ý muốn vượt lên xem, có bị chúng nhắc nhở hay không?

Đợt dịch dài này, để ý trẻ con cũng ý thức chống dịch rất tốt so với người lớn. Tinh thần yêu người, yêu quê hương rất gần. Tương lai của chúng ta và đất nước đang đặt lên vai lớp trẻ.

Xin chúc quý vị một tuần tiếp tục bình an. Riêng các nhà quản lý giáo dục, xin các vị hãy tạo điều kiện tốt nhất cho một lễ khai giảng thiết thực, hiệu quả. Xin các phụ huynh hãy dành ít thời gian phản tỉnh về quan điểm dạy dỗ con cái. Thế giới đã phẳng, chúng ta hoàn toàn có thể chung sức bảo vệ an toàn cho con em mình, dạy dỗ chúng nên người, thay vì giao phó hết cho nhà trường.

Hữu Quý

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến