Cảm hứng được khơi nguồn từ Bùi Xuân Phái

Thứ Năm, 8/10/2020, 7:47 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Những tình yêu Hà Nội được tôn vinh chiều qua giống như nhiều dòng suối đổ về sông. Và dòng sông ấy đang chảy ra nơi biển lớn, với cảm hứng được khơi nguồn từ cái tên sinh ra cách đây 100 năm - Bùi Xuân Phái.

Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính

Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính

Tiếp bước chân cha, Trần Chính Nghĩa đã chụp rất nhiều ảnh về các văn nghệ sĩ. Thế nhưng, người mà anh chụp nhiều nhất, với những khoảnh khắc chân thực hơn cả, chính là “bác Phái”, người bạn tri kỉ của cha anh – nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu.

Cần nhắc lại, khởi động từ tháng 6, nhưng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa đã được lùi đến hôm qua 7/10. Để rồi, sự kiện đặc biệt ấy diễn ra trong một bối cảnh cũng hết sức đặc biệt, khi cả nước đang hướng về Hà Nội ở độ tuổi 1.010 năm.

Muôn mặt của tình yêu

Như mọi năm, khán phòng tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt) vẫn là nơi hội tụ và cộng hưởng của những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội". Ở đó, có những gương mặt thân quen vốn thường xuyên được nhắc đến với những đóng góp cho văn hóa thành phố. Và có cả những gương mặt mới, xuất hiện hết sức bất ngờ nhưng vẫn kịp để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem.

Trần Hậu Yên Thế, một trong nhóm nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân là một trường hợp “quen mặt” như vậy. Ngoài giải thưởng cá nhân năm 2014, ít người biết, anh cũng đã tham gia vào 2 dự án giành giải Bùi Xuân Phái trong những năm tiếp theo. Để rồi, như chia sẻ với Thể thao và Văn hóa, giải thưởng tập thể lần thứ tư này (hạng mục Giải Việc làm) lại có ý nghĩa hơn cả.

“Vâng, có ý nghĩa hơn cả giải cá nhân của tôi trước đây” – anh nói – “Bởi, với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, chúng tôi muốn hướng tới một việc làm cụ thể: thay đổi cuộc sống của những người dân ở một nơi vốn là nơi tập kết rác ven sông Hồng.Và, dự án này được vinh danh là một sự đồng hành và trân trọng đặc biệt với những gì đã có”.

Cũng với giải thưởng ở hạng mục Việc làm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đại diện nhóm Nhân sĩ Hà Đông, là một gương mặt vốn nổi trội trong lĩnh vực văn chương nhưng lại lần đầu “bén duyên” cùng giải thưởng này. Và như chia sẻ của nhà văn với TT&VH, cảm giác đầu tiên của ông khi nghe tin là sự xúc động xen lẫn... bất ngờ.

Chú thích ảnh
Ông Lê Xuân Thành, Trưởng BTC Giải (trái) cùng nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HĐGK trao giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội cho nhà văn Marko Nikolic, tác giả “Phố Nhà Thờ”

“Chúng tôi cũng là người Hà Nội. Nhưng sâu xa, chúng tôi là người xứ Đoài và mới chỉ thuộc về Hà Nội 12 năm. Và, công việc chúng tôi đang làm – tìm lại những đạo sắc phong bị thất lạc - chủ yếu gắn với thôn quê, chứ không phải với đô thị hay với một trung tâm văn hóa như đất Thăng Long cũ” – nhà văn chia sẻ - “Bởi thế, giải thưởng của báo Thể thao và Văn hóa khiến chúng tôi thấy mình có thêm trách nhiệm, bên cạnh những cảm xúc sâu động mà nó mang về”.

Và đặc biệt, lễ trao giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái lần thứ 13 còn đánh dấu một cột mốc mới ở Giải thưởng Lớn, khi nhạc sĩ Phú Quang trở thành cái tên trẻ nhất trong số những gương mặt được vinh dang ở hạng mục này. Không có mặt tại Lễ trao giải vì lý do sức khỏe, giải thưởng của nhạc sĩ được nhận bởi gia đình, gồm anh trai nhạc sĩ (ông Nguyễn Phú Ân), phu nhân (bà Trịnh Anh Thư) và con gái ông (nghệ sĩ piano Trinh Hương).

Bởi sự vắng mặt của một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất với những sáng tác về Hà Nội, những người có mặt tại lễ trao giải càng xúc động hơn trước chia sẻ nghẹn ngào từ phía gia đình – khi anh trai của nhạc sĩ ước "giá Phú Quang ở đây" còn vợ ông thì nghẹn ngào: “Giải thưởng hôm nay sẽ là món ăn tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho anh vượt qua thời gian vô cùng khó khăn này"...

Cảm hứng mang tên Bùi Xuân Phái

Khác với 12 lần tổ chức trước đó, lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái 2020 năm nay còn gắn với một cột mốc đặc biệt, khi các hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 2020) đã, đang và sẽ còn diễn ra ở rất nhiều nơi.

Cuộc triển lãm tranh - ảnh về Bùi Xuân Phái diễn ra ít phút trước lễ trao giải của báo Thể thao và Văn hóa chính là một động thái để giúp người xem hiểu thêm về danh họa có cái tên gắn liền với giải thưởng dành cho những tấm lòng về Hà Nội. Không chỉ đơn thuần là sự thưởng lãm về nghệ thuật, những gì được trưng bày cũng giúp người Hà Nội hiểu thêm về tình cảm và sự tri ân mà thế hệ sau dành cho ông.

Đơn cử, với những bức tranh của họa sĩ Văn Dương Thành và các học trò - những người thuộc 2 thế hệ nối tiếp nhau vẽ chân dung Bùi Xuân Phái - đó là câu chuyện của một người học trò đã vẽ đủ 100 bức chân dung về ông và mỗi năm vẫn tổ chức trưng bày để nhớ tới thày mình, như lời bà kể.

Còn với các bức ảnh chụp của Trần Chính Nghĩa, người xem được thấy một Bùi Xuân Phái gầy gò, khắc khổ tại Hà Nội của vài mươi năm trước, nhưng vẫn có một đôi mắt vô cùng đặc biệt – mà như lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đó là đôi mắt của niềm vui và sự xúc động từ thẳm sâu tâm hồn.

“Tôi dừng lại rất lâu trước những bức ảnh được triển lãm để nghĩ về Bùi Xuân Phái. Ông sống trong một giai đoạn vô cùng vất vả của Hà Nội, nhưng ánh mắt ấy cũng giống như những bức tranh của ông, không hề phản chiếu một chút nào của sự buồn bã, tuyệt vọng hay u ám quẩn quanh” – nhà văn nói – “Và nhìn những bức ảnh, nhìn cuộc đời của ông trong căn nhà, góc phố hay quán cà phê, ta sẽ càng hiểu thêm: tình yêu của mỗi người dành cho mảnh đất nơi họ lớn lên sẽ không phụ thuộc vào điều gì khác, ngoài trái tim và trí tuệ”.

Không phải ngẫu nhiên mà khi bước lên nhận giải, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã giới thiệu rằng nhiều nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật Phúc Tân đều tốt nghiệp trường Mỹ thuật Yết Kiêu (nơi Bùi Xuân Phái từng học) và coi rằng giải thưởng này là phần thưởng cho nỗ lực để xứng đáng với cảm hứng mà ông truyền lại. Và cũng không phải ngẫu nhiên, mà như lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trong nghệ thuật, nếu ta đi đến tận cùng, ta sẽ biến tất cả thành một tên gọi. Cái tên Phố Phái đã đủ cho thấy tình yêu Hà Nội đến tận cùng của một con người sinh ra cách đây tròn 100 năm.

Nhà văn Marko Nikolic: “Kết quả từ một tình yêu lớn với tiếng Việt”

Marko Nikolic, nhà văn người Serbia đã giành giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội với “Phố Nhà Thờ” – cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Việt đầu tiên của một người nước ngoài. Trên bục nhận giải, anh chia sẻ bằng tiếng Việt:

“Hôm nay, tôi thấy rất xúc động, hồi hộp và vinh dự. Khi viết một cuốn sách bằng tiếng Việt, tôi thấy rất tò mò. Người ngoài lại nghĩ rằng tôi viết bằng tiếng Anh rồi sau đó dịch sang tiếng Việt. Nhưng trên thực tế, tôi viết sẵn bằng tiếng Việt. Tôi muốn nói “Phố Nhà Thờ” là kết quả từ một tình yêu lớn với tiếng Việt cũng như với thành phố Hà Nội. Tôi đã ở Hà Nội được mấy năm rồi và nhận thấy thành phố có rất nhiều đổi mới, cho nên tôi viết cuốn tiểu thuyết này để chia sẻ một góc nhìn rất chân thành của người nước ngoài sống tại Hà Nội”.

Cúc Đường

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến