Cách viết tiếng Việt hiện nay có thật sự bất cập?

Thứ Hai, 27/11/2017, 7:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận xôn xao với việc PGS-TS Bùi Hiền đề xuất cải cách chữ viết. Cụ thể như chữ “tiếng Việt” sẽ được viết thành “Tiếq Việt”, hay “ngoại ngữ” thành “Qoại qữ”… Để viện dẫn lý do đi đến sự sửa đổi, bản thân ông Bùi Hiền cho biết vì ông thấy tiếng Việt hiện nay có nhiều điểm sai, bất cập trong cách viết và phát âm, gây khó khăn cho người dùng.

Đầu tiên, chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông với ông về sự quan tâm tới ngôn ngữ, tới tiếng Việt, và những nỗ lực để cách tân là đáng trân trọng. Vì lịch sử ngôn ngữ cho thấy cách tân và cách mạng, thay đổi là tất yếu. Tuy nhiên, sự nỗ lực cách tân ấy có thật sự thiết thực, hay cũng chỉ là một cách làm đã quá lạc hậu?

Và, cách dùng, cách viết tiếng Việt như hiện nay có thật sự bất cập và bất hợp lý như ông Hiền đã phát biểu?

Trước hết nói về cái “bất hợp lý” mà ông đã đề cập. Không biết là ông đã khảo sát sự bất hợp lý này như thế nào, có thống kê cụ thể nào chưa? Hay chỉ là nó bất hợp lý trong cách nhìn, trong quan niệm nhiều cảm tính của ông? Sở dĩ phải hỏi như vậy vì trong những lý do ông đưa ra, ông chỉ mở một bản so sánh cách dùng ký tự phiên âm tiếng Việt hiện hành được mọi người dùng công nhận và cách dùng ký tự phiên âm do ông sáng tạo ra. Việc ông sáng tạo một bảng ký tự phiên âm là chuyện của riêng ông, không phải vì thế mà bảng ký tự hiện nay là bất hợp lý.

Chú thích ảnh
PGS-TS Bùi Hiền. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, với cách so sánh và viện dẫn như hiện tại, mà không có chứng cứ gì, như cách ông đã làm, thì rất khó thuyết phục. Một nhà ngôn ngữ mà không dựa vào những cơ sở khoa học của ngôn ngữ, mà chủ yếu dựa vào ý chí và cảm xúc chủ quan để nhân danh, để kết luận, thì việc ông nhận những lời dè bỉu và búa rìu dư luận cũng không phải là không có lý do.

Thêm vào đó, một trong những đặc tính căn bản của ngôn ngữ chính là tính võ đoán. Nghĩa là ngôn ngữ được hình thành, chấp thuận và sử dụng bởi những quy ước mang tính tập thể, mang tính cộng đồng. Chính quy ước ấy giúp cho cộng đồng nhờ ngôn ngữ mà biểu đạt được ý muốn, suy nghĩ, cảm xúc của mình với những người khác trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ấy.

Trong tiếng Việt có rất nhiều trường hợp, thoạt đầu dùng sai nhưng cộng đồng vẫn hiểu và chấp nhận, rồi thành đúng. Như vậy, nhờ đặc tính võ đoán ấy mà ngôn ngữ không có đúng hay sai. Vấn đề là nó được chấp thuận bởi đại đa số trong cộng đồng hay không mới là quan trọng.

PGS Bùi Hiền nói rằng cách viết hiện tại sai và bất hợp lý, trong khi người dùng tiếng Việt hiện nay vẫn sử dụng một cách bình thường, từ phương diện phát âm cho đến viết thành văn bản. Chữ viết tiếng Việt thuộc nhóm những ngôn ngữ không cần tra từ điển cũng đọc đúng, trong khi nhiều ngôn ngữ khi gặp từ mới, từ lạ thì phải tra mới đọc được và đọc đúng.

Tinh thần chính của khoa học là trao đổi, phản biện. Vậy nên, bên cạnh việc tiếp tục luận bàn, thiết nghĩ người làm khoa học nên bình tâm lắng nghe phản hồi từ cộng đồng. Vì ngôn ngữ là dùng để giao tiếp với cộng đồng, và ngôn ngữ chỉ sống trong đời sống cộng đồng.

Xôn xao đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền

Xôn xao đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt bằng cách giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31 của PGS.TS. Bùi Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tiểu Mục Đồng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến