(Thethaovanhoa.vn) - Khi phát phóng sự về quán "bún chửi" ở phố Ngô Sĩ Liên - Hà Nội trên Kênh CNN, người dẫn chương trình Anthony Bourdain đã gọi đó là "món ăn đặc sắc của Việt Nam, đặc sản Hà Nội".
Nhiều người bình phẩm, lo lắng khi "văn hóa" nói tục, chửi bậy đang xâm chiếm Hà Nội.
1. Giữa năm 2015, lãnh đạo Hà Nội đã giao các đơn vị cấp dưới kiểm tra và có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội, nhất là hành vi nói tục, chửi bậy.
Còn nhớ, điều này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới khi bàn Luật Thủ đô, các đại biểu đã bàn rất nhiều về thực trạng con người Hà Nội. Thành phần dân số Hà Nội đông nghịt nông dân vùng phụ cận và tứ xứ.
Cũng phải, bởi đất lành chim đậu, nước tất chảy về chỗ trũng, Hà Nội tạo ra nhiều cơ hội. Khu trung tâm chật hẹp cũng miệt mài cõng lên những dãy nhà cao tầng có quy mô dân số bằng cả xã ở nơi khác.
Những ga Hàng Cỏ, những bến xe, những cảng Phà Đen, những bệnh viện St Paul, Việt Đức, Bạch Mai, những trường đại học vẫn chen chúc đứng chân giữa nội thành; những bến xe đông nghẹt, những chợ đầu mối Đền Lừ, Bắc Qua, và chợ bán buôn Đồng Xuân và ở ngay khu phố cổ người đông như nêm cối...
Đông đúc ắt phải bon chen, áp lực cuộc sống, áp lực từ hạ tầng sinh hoạt, khói bụi, tắc đường, không khí ngột ngạt, rồi cả áp lực chờ đợi khi phải "dính dáng" đến chuyện hành chính, từ đi khám bảo hiểm, tiêm vắc-xin đến xin dấu khai sinh, chứng tử ở phường... Tất cả đều dẫn tới bực dọc và ức chế.
Mà không chỉ người dân, cán bộ Hà Nội cũng áp lực lắm. Thậm chí, năm 2014, Hà Nội từng đã ra văn bản cấm công chức nói tục, tiếng lóng. Áp lực sẽ vẫn còn tăng khi Hà Nội ngoài dân cổ cồn nó cũng không thể từ chối "cửu vạn" nhập cư, bởi nếu không có họ, cái cống tắc rác thải, ai chịu chui xuống?
2. Việc Hà Nội cấm nói tục có tính biểu tượng, làm dẫn chứng về văn hóa người thanh lịch ở một thủ đô được coi là nghìn năm văn hiến hơn là để áp dụng hàng ngày để thay đổi cái được gọi là ý thức.
Nếu ngồi uống nước ở các cổng trường, nghe các em học sinh cấp 2, cấp 3 nói chuyện thì... thôi rồi. Những tiếng lóng, những câu văng tục mà người lớn khó có thể tưởng tượng lại được các em coi là sành điệu.
Mà đừng chỉ nói do áp lực... "nhập cư". Nhà văn phố cũ Hà Nội “xịn” Nguyễn Việt Hà viết tiểu thuyết nổi tiếng Cơ hội của Chúa, đầy ắp các không gian đa diện về cuộc đời của các thế hệ sống ở một Hà Nội buổi giao thời, khi bước vào giai đoạn kinh tế mở cửa cuối thập niên 1980. Những nhân vật chính tiêu biểu cho một thế hệ trẻ Hà Nội đã yêu và sống đầy khắc khoải nhưng cũng yếm thế buông xuôi. Cơ hội của Chúa mang trạng thái tâm lý của một thế hệ “mất mát”, mang cảm xúc của những góc phố Hà Nội đang biến đổi, cái biến đổi một đi không trở lại.
Cái biến đổi ấy là gì. Nhiều lắm. Tôi chỉ xin nêu đúng một ví dụ: Đọc chương I tôi đếm được đúng 7 từ “chửi”, nó xuất hiện với mật độ dày đặc. Tác phẩm cũng không thiếu những câu văng tục, chua ngoa, lóe xóe.
Mà Hà Nội bây giờ, áp lực cuộc sống nặng nề hơn cuối thập niên 80 rất rất nhiều.
'Hà Nội gì mà buồn hơn ở quê, đang ăn uống vui chơi thì phải giải tán'. Đó là câu nói có vẻ trách móc mà tôi nghe không dưới một lần của mấy người bạn mỗi khi đến thăm Hà Nội.
Nguyễn Gia