Ấu dâm - câu chuyện từ những con số

Thứ Ba, 28/3/2017, 7:12 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ba vụ việc liên quan tới ấu dâm đang được giải quyết và khiến dư luận tạm lắng xuống. Nhưng hôm qua (27/3), những con số vừa được Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố lại khiến chúng ta giật mình.

Cụ thể, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014 có gần 1.600 trẻ em, năm 2015 hơn 1.300 trẻ em và năm 2016 hơn 1.200 trẻem bị xâm hại tình dục. Tất nhiên, đây mới chỉ là số thống kê,còn trên thực tế sẽ cao hơn! Có nghĩa, những câu chuyện gần đây dư luận biết tới và phản ứng chỉ là ba trong số hàng ngàn vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra mỗi năm.   

Hai tuần trước, số liệu báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) được công bố tại một tọa đàm tại Hà Nội cũng gần như trùng khớp. Cụ thể, hàng năm Việt Nam có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trung bình, 8 giờ có thêm một trẻ bị xâm hại. 60% nạn nhân có độ tuổi từ 12- 15.


Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp tổ chức cuộc họp xem xét việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: TTXVN

Những số liệu thống kê khả tín và đầy thông tin ấy dường như chưa gây được sự chú ý - khi dư luận vẫn có thiên hướng xót xa nhiều hơn trước từng cảnh đời cụ thể.

Chúng ta thường bức xúc trước các số phận nạn nhân được miêu tả chi tiết về các sang chấn tâm lý sau khi bị lạm dụng. Từ đó, chúng ta lên tiếng yêu cầu đưa những nghi can phạm tội ấu dâm ra ánh sáng pháp luật. Điều này tuyệt nhiên đúng trong chuyện lên án tội ác.

Song, để ngăn ngừa vấn nạn ấu dâm, chúng ta cần nhiều hơn những “hot trend” (xu hướng nóng) trên mạng xã hội trong một khoảng thời gian ngắn, cũng như sự phẫn nộ đòi trừng trị những kẻ đồi bại.

Nghĩa là, chúng ta hãy có cảm xúc với những con số - khi cứ 8 giờ đồng hồ, một trẻ em lại bị lạm dụng! Nghĩ về con số ấy, chắc sẽ không ai đủ tự tin để nói rằng vấn nạn này có thể chừa ra con mình, cháu mình hoặc của bè bạn mình. Vấn nạn ấu dâm là điều mỗi gia đình và toàn xã hội phải đương đầu. Ngày ngày.

***

Và, không chỉ là chuyện chóng bức xúc rồi... chóng quên sau mỗi vụ việc, chúng ta cũng đối diện cả với những định kiến thẳm sâu trong lòng xã hội.

Cụ thể, ngay trong phiên điều trần về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày hôm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề nghị báo chí khi đưa tin các vụ việc này cần tôn trọng, bảo vệ bí mật thân nhân của nạn nhân để tránh những tổn hại về tinh thần, sinh kế. Và, các diễn giả cũng lấy ví dụ đáng buồn về việc gia đình nạn nhân bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu phải chuyển nơi sinh sống.

Nói cách khác, nạn nhân và gia đình của những vụ xâm hại tình dục trẻ em không chỉ bị xâm hại một lần bởi tên tội phạm. Họ còn có khả năng bị xâm hại quyền riêng tư, bởi sự tò mò và định kiến. Điều đó có thể khiến những nạn nhân tương tự sợ hãi và im lặng thay vì lên tiếng vạch mặt kẻ thủ ác.

Dành nhiều thời gian nói chuyện với con, dạy con những kỹ năng phòng tránh nạn ấu dâm là những điều chúng ta từng nói đến quanh vấn nạn ấu dâm. Nhưng bên cạnh đó, cộng đồng cần ứng xử với những người bị hại bằng tất cả sự cảm thông cùng tình thương yêu. Bằng không, những con số về ấu dâm sẽ khó lòng thuyên giảm!  

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến