Áp lực của nhà đài thời mạng xã hội

Thứ Năm, 14/5/2015, 7:10 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mấy tháng nay, truyền hình trở thành một trong những “điểm nóng” công luận khi hàng loạt sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý.

Những người làm nghề truyền thông đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn. Nói như một nhà báo, đó là việc phải đi trên dây, đi giữa sức ép cạnh tranh thông tin, giữa nhu cầu độc giả, giữa sức ép về đạo đức, Chân - Thiện - Mỹ và trên hết là pháp luật.

Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, áp lực nhân lên gấp bội lần. Từ thời Blog Yahoo 360 cổ lỗ tới thời buổi người người dùng Facebook, có thể thấy một sự thay đổi cách truyền thông không thể cưỡng lại. Thay đổi về tốc độ sản xuất và tiêu thụ thông tin nhưng quan trọng hơn là thay đổi về mức độ hưởng thụ thông tin của người dân. Bây giờ, báo đài không chỉ là truyền tải thông tin mà còn là trao đổi thông tin. Người hưởng thụ muốn thỏa mãn nhu cầu tương tác. Chỉ có điều, với mạng xã hội, tính kiên nhẫn của người dùng cũng giảm, mọi thứ đều phản ứng nhanh, hiếm có chỗ cho sự giãi bày. Cách trao đổi, tương tác có lẽ cũng vậy.


Những phản ứng trên mạng xã hội, trên Facebook nhiều khi còn khủng khiếp hơn thông tin đưa ra.

Trước kia công luận hầu hết chỉ là khán giả. Người dân đều có vẻ mang một niềm tin rất lớn với câu cửa miệng rằng “đài nói thế” “ti vi nói thế”. Với họ, đài, ti vi là chuyên gia, là chân lý. Nhưng với mạng xã hội, thời truyền thông có phản hồi mọi chuyện đã phải khác. Phản hồi của không chỉ một người mà của đám đông lớn. Những phản ứng trên mạng xã hội, trên Facebook nhiều khi còn khủng khiếp hơn thông tin đưa ra. Chương trình truyền hình có thể kết thúc ngay nhưng “vòng đời” của một chuyện ồn ào trên mạng thường kéo dài hơn thế rất nhiều. Câu chuyện có thể được đẩy đi rất xa dưới danh từ thường được gọi là: Dư luận hay cư dân mạng.

Các cụ có câu “khẩu chứng vô bằng” nhưng với công nghệ hiện nay mọi thứ đều được lưu lại và chia sẻ, và một lần sảy miệng dễ thành “thảm họa”.

2. Nói về truyền thông, hẳn nhiều người nghĩ tới loa phường, hệ thống truyền tải thông tin mà có lẽ nhiều người cho là... ầm ĩ nhất trên đời. Nơi mà phát thanh viên nói ngọng vẫn có đất hành nghề với đủ các loại bản tuyên truyền rất cuộc sống như đổ rác đúng giờ, phòng dịch mùa hè, lịch bón phân, cấy lúa.... Sau tiếng loẹt xoẹt qua amply phóng đại "alo 1, 2, 3, 4" là những bài tuyên truyền người dân thực hiện “lếp” sống văn minh. Nhưng ở mức độ nào đó, người dân vẫn chấp nhận. Cứ về nhiều làng xã sẽ thấy điều đó.

Nhưng Đài truyền hình thì rất khác. Dù hậu trường quá trình chuẩn bị, tổ chức buổi truyền hình trực tiếp lễ duyệt binh ở Nga trên sóng có khó khăn thế nào, việc mua bản quyền có gấp gáp ra sao, khán giả không cần biết. Và như thế, rất dễ hiểu khi dư luận ít nhắc tới một chương trình “Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại” hay tuyệt vời, nhưng lại phản ứng gay gắt khi một sự kiện trọng đại lại bị ảnh hưởng bởi giọng nói của cô thuyết minh cũng như chất lượng dịch thuật.

Áp lực vô cùng khủng khiếp khi người dân đặt niềm tin vào một đài truyền hình cấp quốc gia. Triết gia nổi tiếng thế giới Benjamin Franklin từng nói "Người nói càng nhiều càng tạo ra nhiều nhầm lẫn". Đài quốc gia thì nói nhiều rồi, nhưng vấn đề là họ không được phép sai sót, dù chỉ chi tiết nhỏ.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Đinh Hiền  (14/05/2015 01:23:58)
hienchung1960@gmail.com
Làm gì cũng cần có người tài đức thực sự chứ không riêng gì truyền thông. Nếu cứ vì một lý do nào đó mà không tuân thủ điều này thì sẽ trở thành thảm họa, không có lời nào biện minh được....
Nguyễn Phước  (14/05/2015 12:50:06)
phuocmai@hcm.vnn.vn
Theo tôi, không phải đài quốc gia không được phép sai sót dù chỉ chi tiết nhỏ. Đã làm là phải có sai, đó là phép biện chứng và thực tiễn. Cái không được sai là kiến thức cơ bản, hiểu biết cơ bản và sự trung thực, sự chân thành. Nhân đây, với bài báo, xin hỏi "khẩu chứng vô bằng" là câu từ đâu ra. Từ xưa tới nay các cụ chỉ nói "khẩu thiệt vô bằng" (khẩu: miệng/ thiệt: lưỡi/ vô: không/ bằng: bằng chứng, chứng cứ). Tuy nhiên những ý kiến nhỏ trên chỉ là nhỏ so với bài viết rất hay, để chứng minh là vẫn có thể thích một sản phẩm báo chí dù lọt sai sót nhỏ. Trân trọng
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến