(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ra công văn yêu cầu NXB Kim Đồng giải trình trước ngày 23/1/2018 về những hình ảnh nhạy cảm, khỏa thân trong cuốn Anh hùng Héc-quyn. Nhìn ở khía cạnh tâm lý giáo dục trẻ em, đây là một công văn xác đáng, vì trẻ em hoàn toàn có thể bị tác động với những hình ảnh nhạy cảm, khỏa thân không phù hợp. Việc yêu cầu NXB Kim Đồng điều chỉnh nội dung, hình ảnh cho phù hợp và phải dán nhãn giới hạn độ tuổi độc giả ở bìa 1 là cần thiết, khoa học…
Tuy nhiên, vấn đề của cộng đồng mạng và Facebook không dừng lại ở đó. Đã có những ý kiến “nâng quan điểm”, “chụp mũ” NXB Kim Đồng đồi trụy, xuyên tạc, là không tôn trọng, hoặc không hiểu thần thoại Hy Lạp…
Những ý kiến này thường nhân danh đạo đức, thuần phong mỹ tục… nên mới nghe cũng có lý, nhưng thực ra họ chưa xét gốc tích và quan niệm nền tảng của chính thần thoại Hy Lạp.
Thật ra với người Hy Lạp thời cổ đại - bối cảnh của thần thoại Hy Lạp - thì việc khỏa thân (đặc biệt với nam giới) và cảnh làm tình là tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, là nguồn cội của tâm linh, tôn giáo, sự sống. Các vị thần tối cao của họ như Zeus, Apollo, Poseidon… đương nhiên được nhìn, được kể, được tạc tượng khỏa thân trong các đền thờ. Nên các “á thần” như Ajax, Achilles, Odysseus… rồi Hercules (Héc-quyn) cũng khỏa thân là đương nhiên.
Bây giờ thi thể thao Olympic còn mặc chút trang phục, thời thành bang Hy Lạp, thi Olympic đương nhiên là khỏa thân 100%. Nhà toán học - triết gia lừng danh Pythagoras từng đoạt Huy chương vàng Olympic môn chạy, khi lên nhận vòng nguyệt quế ông vẫn khỏa thân hoàn toàn.
Không giống như người Assyria, người Ba Tư, người Ai Cập trước họ, người Hy Lạp cổ đại luôn tôn vinh thần thánh, anh hùng ở hình thức khỏa thân. Đời thường họ có mặc quần áo, giữ đạo đức, tôn trọng phụ nữ và rất đề cao dân chủ. Nhưng trong các trạng huống lý tưởng hóa như tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, thể thao… họ đồng hóa vẻ đẹp, sự công bình với hình ảnh khỏa thân - vốn tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, trong sạch. Và thần thoại Hy Lạp là một đại diện cho tinh hoa tưởng tượng, triết lý, nên các chi tiết nhạy cảm, khỏa thân… là tràn ngập trong các câu chuyện được kể.
Khi dịch thần thoại Hy Lạp sang ngôn ngữ các nước Đông phương từ đầu thế kỷ 20, trong đó có tiếng Việt, các dịch giả thời bấy giờ đã tự hạn định và tự kiểm duyệt, với mong muốn làm sao giữ được hồn cốt câu chuyện, nhưng “mềm mại hóa” các hình ảnh nóng bỏng, bạo liệt, bạo lực.
Đây là quá trình dài cả thế kỷ qua, nên ngày nay, nếu dùng con mắt của văn học so sánh để đọc thần thoại Hy Lạp ở các bản dịch trung thành nguyên tác và các bản dịch tiếng Việt chẳng hạn, thì chúng chỉ còn giống nhau về cốt truyện chính, chứ các chi tiết về khỏa thân, về tình dục… lại khá khác nhau.
Nếu NXB Kim Đồng dựa vào bản in của một truyền thống dịch cởi mở hơn - nghĩa là đi chệch ra khỏi truyền thống tự hạn định này - thì việc bị lên án, phê phán là điều có thể hiểu được.
Hơn nữa, dường như có sự nhầm lẫn rằng tất cả truyện thần thoại Hy Lạp là dành cho trẻ em. Nếu ai đã thật sự đọc những bản dịch sát với nguyên tác thì sẽ thấy phần nhiều truyện trong thần thoại Hy Lạp là dành cho người trưởng thành. Ví dụ như những truyện diễn tả cảnh hiếp dâm, loạn luân, lưỡng tính, làm tình với muông thú… của thần Zeus thì trẻ em sao đọc được, thậm chí người lớn mà “yếu bóng vía” đọc cũng không chịu nổi.
Cho nên, vấn đề dán nhãn giới hạn độ tuổi độc giả là rất quan trọng, điều này nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến độc giả nhỏ tuổi, cũng là cách để bảo vệ vẻ đẹp của nguyên bản văn chương, tránh bị bóp méo thái quá. Nhiều truyện thần thoại Hy Lạp phải dán nhãn 16+, 18+, nên rất cần sự phân loại ngay từ đầu.
Nhà phân phối của Nga mới thông tin tới các rạp rằng “Năm anh em siêu nhân” (Power Rangers) sẽ bị hạn chế ở mức cao nhất có thể sau nguy cơ bị các cơ quan chức năng cấm chiếu.
Vô Ưu