(Thethaovanhoa.vn) - Cơn lũ cuối tháng 3 cuốn sạch mọi hi vọng của người nông dân Quảng Nam về một vụ mùa bội thu. Những người nông dân bất lực nhìn 570 ha dưa hấu chuẩn bị đến vụ thu hoạch chìm trong biển nước; 2000 tấn dưa tồn đọng chờ... hỏng; 500 tấn cần được tiêu thụ ngay trong tuần này.
Ngay khi hay tin, một nhóm tình nguyện trẻ đã tới tận vùng tâm lũ. Phong trào “Mỗi quả dưa, một tấm lòng” hỗ trợ nông dân Quảng Nam lập tức được phát động và nhanh chóng lan rộng cả nước qua mạng xã hội.
Dưa hấu của nông dân Quảng Nam đang được nhiều người tiêu dùng trong cả nước ủng hộ. Ảnh: VnExpress
Kết quả là 18 tấn dưa trong xe dưa đầu tiên đã không thể tới Hà Nội như dự định. Toàn bộ số dưa đã được mua hết ngay khi rời Quảng Nam. Người Thủ đô vui vẻ chờ và số lượng đơn hàng mỗi lúc một nhiều. Hàng trăm người trẻ khác cũng đã đăng ký vào nhóm tình nguyện nhận bốc dỡ, bán dưa ngày đêm tại các điểm giúp đồng bào. Hiếm khi nào, trên những dòng News Feed (bảng thông tin) của mạng xã hội, hai chữ “đồng bào” lại thiêng liêng đến thế!
***
Ông Lê Huỳnh Trí là chủ hiệu sách cũ Bách Hợp tại 50 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức, TP.HCM. Hiệu sách của ông hiện có 10 tấn sách cũ được ông lặn lội sưu tầm suốt 30 năm. Gần đây, tấm biển “Dẹp tiệm, bán rẻ” của ông Trí khiến nhiều người sững sờ.
Lý do là đơn vị cho thuê mặt bằng đã đột ngột chấm dứt hợp đồng với ông để bán mảnh đất cho một ngân hàng. Ông Trí ngậm ngùi treo biển “Giải nghệ” và đau xót nói: “Bán thanh lý được đến đâu thì bán, không thì buộc phải bán đồng nát thôi!”.
Những chia sẻ của ông Trí đã gây xúc động mạnh cho người TP.HCM. Sau chưa đầy 1 tuần kể từ khi thông tin về hiệu sách cũ của ông Trí xuất hiện trên mạng xã hội, hàng ngàn người TP.HCM đã ùn ùn kéo tới mua sách hỗ trợ ông, giúp ông đủ tiền thuê mặt bằng mới và “cứu” 10 tấn sách quý khỏi bãi tập kết giấy vụn. Nhiều người hàng xóm sắp xếp việc riêng để phụ ông bán sách...
***
Hai câu chuyện cổ tích về 10 tấn sách ở TP. Hồ Chí Minh và hàng ngàn tấn dưa ở Quảng Nam đều phản ánh một sự thật, rằng: “Cộng đồng mạng” không mang sắc thái tiêu cực như người ta vẫn nghĩ; rằng: Trào lưu xấu có thể lan truyền qua mạng nhanh như virus thì việc tử tế cũng được cộng hưởng, với sức mạnh không tưởng bằng công nghệ, cũng sẽ được nhân lên nếu con người bền bỉ giữ gìn và khơi gợi; rằng: “Bệnh vô cảm của giới trẻ” chưa di căn như các nhà đạo đức vẫn than van...
Hẳn nhiên, nhiều người nghi hoặc những chuyện tử tế trên rồi cũng sẽ như những trào lưu khác của cư dân mạng: chóng đến, chóng đi. Song, không nhiều người mường tượng theo chiều ngược lại. Rằng từ tia lửa sẽ bùng lên ngọn lửa. Những chuyện hi hữu hôm nay sẽ là tiền lệ cho những điều tốt đẹp thường trực mỗi sớm mai.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa