12 em nhỏ chết đuối mỗi ngày

Thứ Tư, 15/5/2013, 9:7 (GMT+7)
(Thethaovanhoa,vn) -1. Một câu chuyện thê thảm có tính chất lặp lại đến phát sợ: Một đám tang tập thể, nhiều em nhỏ tử nạn cùng một thời điểm và lại một lý do mà người ta thốt lên “biết rồi, khổ lắm: chết đuối”.

Từ bé, chúng ta được dạy một lý thuyết tuyệt đẹp, đất nước ta rừng vàng biển bạc, sông ngòi dày đặc. Một thứ kiến thức địa lý sơ đẳng, bờ biển dài 3.260 km,  392 con sông chảy liên tỉnh… Tổng chiều dài các con sông là 41.000 km với tổng lưu lượng gần 300 tỷ m3 nước và 3.100 km kênh rạch.

Vâng, chúng ta rõ là trù phú, giàu đẹp, em nào cũng được thấm nhuần cái đẹp đó, nhưng khốn nỗi, không phải học sinh nào cũng được dạy để sống sót giữa môi trường rất giàu, đẹp nhưng cũng tiềm ẩn đầy nguy cơ đuối nước kia. Bao nhiêu em biết bơi, khi thả chúng ra những sông, những biển, những kênh rạch ấy?

2. Những vụ chết đuối tập thể đã quá nhiều, nói lại nhiều thành quá nhàm và khiến những người dễ xúc động kích động. Nhưng có những con số đáng sợ, cần phải nói lại như một sự cảnh tỉnh không bao giờ muộn.

Đúng dịp này năm ngoái, tháng 5/2012, Bộ LĐ,TB&XH công bố “Cuộc khảo sát tai nạn thương tích quốc gia năm 2010”. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, với khoảng 4.500 em. Tính ra, mỗi ngày 12 em nhỏ bỏ mạng vì chết đuối. Một con số có đáng gọi là báo động không?

Chúng ta đã mừng khi cách đây hơn 3 năm, vào tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong đó, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5.

Nhưng đến nay, chúng ta đều cay đắng nhận ra rằng, Bộ mới chỉ có thể “dạy bơi trên giấy” cũng bởi một câu chuyện muôn thủa… tiền. Và thế là đau vẫn cứ đau, những cái chết tập thể của các em vẫn cứ diễn ra như thường.

3. Mới đây, em Nguyễn Văn Nam, trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương) đã hy sinh thân mình cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối. Ngành Giáo dục Nghệ An đã phát động phong trào tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương của Nam. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã bình luận trên trang cá nhân của ông: “Mình mong rằng khi tôn vinh anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Nam hy sinh để cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối, các nhà lãnh đạo hãy nói với các bậc bố mẹ: Nếu con các vị chưa biết bơi, các vị chưa làm tròn nghĩa vụ của người làm bố mẹ. Và nói với các hiệu trưởng: Nếu học sinh chưa biết bơi, nhà trường chưa phải là nhà trường đạt chuẩn.Vì trong cuộc sống hằng ngày (chỉ trong lĩnh vực cuộc sống hằng ngày thôi) nếu ai cũng tự bảo vệ được mình, thì sẽ không cần người hy sinh để bảo vệ người khác. Ai cũng chỉ có một cuộc đời”.

Nhiều người đồng cảm với ông, và chúng ta chỉ có một mong muốn, dù đất nước còn nghèo, hãy dành tiền cho những việc cấp bách trước.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

rav  (20/05/2013 10:24:51)
rav2012@gmail.com
Hãy mua áo phao để đó, rồi tính đến chuyện học bơi. Hãy khuyến khích đừng cấm đoán la mắng <img src='/Images/Smileys/1.gif'>
tqv@yahoo.com  (15/05/2013 03:05:00)
tqv@yahoo.com
Tôi thì không tin "Bộ mới chỉ có thể “dạy bơi trên giấy” cũng bởi một câu chuyện muôn thủơ… tiền". dạy và học bơi có tốn nhiều tiền đâu ? 1 cái ao làng là có thể dạy và học bơi được rồi. Vấn đề là chương trình học quá nặng, không còn thời gian bố trí môn bơi vào thời khoá biểu nữa.
Vũ Tuấn Anh  (15/05/2013 01:56:57)
tuaansanh_vux@yahoo.com.vn
Các cụ đã dạy "có phúc đẻ con biết bơi", các vị phụ huynh nên dành thời gian dạy con tập bơi đi, chứ đừng để đến lúc xảy ra việc rồi lại kêu này kêu nọ.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến