(Hà Nội, 19/11/2017) Nhân dịp Ngày Quốc tế Nam giới 19/11, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp với tập đoàn Giovanni tổ chức cuộc tọa đàm “Đàn ông là số 1 hay số 0?”, đồng thời phát động cuộc thi viết “Đàn ông Chất là…”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức, bạn đọc cùng các phóng viên bao đài.
Khách mời của cuộc tọa đàm đàm “Đàn ông là số 1 hay số 0?” là những người đàn ông “chất” nổi tiếng: “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chương trình, ông Tim Voegel-Downing - giám đốc sáng tạo của tập đoàn Giovanni, nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hot blogger Hoàng Minh Trí (Cu Trí); và cả một gương mặt nữ đặc biệt: Hoa hậu thân thiện Dương Thuỳ Linh.
Tại cuộc tọa đàm, “Giáo sư Xoay” đặt ra vấn đề, hiện nay trên thế giới có hơn 70 quốc gia công nhận Ngày Quốc tế Nam giới; phụ nữ Việt Nam có hai ngày được tôn vinh trong một năm là ngày 8/3 và ngày 20/10, nên chăng cũng cần cần có một ngày dành riêng cho đàn ông ở Việt Nam?
Trước khi bước vào thảo luận các vấn đề, các vị khách mời được xem một đoạn clip ghi lại những ý kiến trả lời câu hỏi đàn ông chất là gì? Và liệu có nên dành một ngày cho phái mạnh?
NỘI DUNG CHÍNH CUỘC TỌA ĐÀM
Sau đây là những chủ đề chính được thảo luận, chia sẻ trong cuộc tọa đàm “Đàn ông là số 1 hay số 0?”:
Nhiều kiểu đàn ông “chất”
Trở lại với các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm, trước câu hỏi đàn ông chất là gì?, hot blogger Hoàng Minh Trí hài hước bày tỏ: “Đàn ông chất cũng chỉ nên chất với một số người, chứ chất với nhiều quá thì tỉ lệ “tai nạn” sẽ rất cao. Anh thể hiện cái “chất” của mình là một ông chồng, người bố mẫu mưc và… nhẫn nại: “Ở nhà tôi vẫn luôn thể hiện là một người bố yêu con, biết chăm chút con cái. Nếu bị vợ hoặc bố mẹ nhờ vả thì luôn vui vẻ làm dù không muốn. Bởi tôi thấy nếu việc đó chắc chắn phải làm thì tốt nhất nên vui vẻ - dù sự vui vẻ ấy không được ghi nhận. Dần dần, sau 1 2 lần vui vẻ như thế, tôi thấy mình cũng có chất hơn.
Đại diện cho phái nữ, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh, cho rằng mỗi phụ nữ sẽ có những gu khác nhau về đàn ông chất. Có người thích đàn ông thành đạt, trông bệ vệ, chín chắn, nhiều tuổi, không bao giờ nhúng tay vào việc phụ nữ để khỏi mất chất đàn ông của họ”. Còn người đàn ông chất với Dương Thùy Linh là người “theo xu hướng hơi metrosexual (biết chăm chút ngoại hình) một chút, không quá cứng theo kiểu cứ phải gồng lên rằng tôi là một siêu nhân, mà họ vẫn có thể khiến ta cảm nhận sự yếu mềm của họ”.
“Chất, trong thời đại mới, khi người phụ nữ khong yếu mềm như ngày xưa, thì họ cũng phải như nước, tức là biết cách mềm xuống để hòa hợp với nhau” – cô triết lý.
Còn Chí Trung cho rằng: là đàn ông phải biết hài hòa về lợi ích giữa 2 “phe”, có những điểm mà mình không thích nhưng vẫn phải biết và biến nó thành niềm vui. Nói cách khác là biết hợp pháp hóa những mong muốn của người vợ, dù mình không thích. Chất trong suy nghĩ của chúng ta phải là manly, phải là có chút gì đó khệnh khạng, ăn mặc bụi bụi.. “
Anh thú nhận: “Có rất nhiều việc trong nhà cho người đàn ông, không nhất thiết phải lao vào phụ giúp vợ. Tôi không phải mẫu đàn ông lao vào nhặt rau, rửa bát, hít m ùi thức ăn để ra vẻ chăm lo. Nhưng tôi có thể ngồi trên tầng 4, nghe tiếng xe máy của vợ thì chạy xuống dắt xe cho vợ vào nhà vì bậc thềm hơi cao, có thể lau nhà lau cửa, phơi quần áo, tưới cây để cho ra hoa đẹp cho vợ ngắm. Hoặc đêm ngủ, nghe tiếng kẹt trên tầng thượng thì tất nhiên tôi phải lao ra, chứ không thể bảo em ơi ra xem có ai ở trên đó.
Những việc ấy không lẽ lại kể tên?”.
Chia sẻ về “chất” của đàn ông phương Tây, ông Tim Voegel-Downing - giám đốc sáng tạo của tập đoàn Giovanni nói rằng: “Đàn ông phương Tây cũng có nỗi khổ như đàn ông VN thôi. Và bây giờ khi mọi thứ đang thay đổi, người phụ nữ cũng phải đi làm, người đàn ông cũn phải chăm sóc gia đình. Những việc ấy khiến chúng ta phải nhìn nhận lại, phải đưa ra những định kiến khác về vai trò của đàn ông và phụ nữ. Để là một người đàn ông chất, theo tôi điều đầu tiên họ phải tự tin. Khi mà mình cứ liên tục phải đặt câu hỏi làm như thế nào là đúng, là sai, thì họ đã mất đi cái chất của mình rồi.
Những định kiến về đàn ông “chất”
GS Xoay đặt câu hỏi: Đàn ông chúng ta thường phải đối mặt với nhiều câu hỏi, gặp rất nhiều điều kì thị trong gia đình. Ví dụ nếu ở rể thì bị thiên hạ gọi là chó chui gầm chạn, nếu đẻ toàn con gái thì bị gọi là không biết đẻ, nghe vợ một chút thì bị gọi là sợ vợ, không biết uống rượu thì gọi là mặc váy. Tóm lại là định kiến của xã hội cũng nhiều.
Blogger Cu Trí cho rằng, những cái kỳ thị GS Xoay vừa nói, tôi chưa phải đối diện nên khó trả lời. Nhưng, khi ngồi với bạn bè, với những người đẻ con một bề, tôi cũng tránh chưa bao giờ nói tới việc ấy. Hoặc với những người nói xỏ theo kiểu nhà này nâng cấp từ 3G lên 4G, nghĩa là từ 3 gái lên 4 gái, tôi vẫn hay bảo thôi mình nói sang chuyện khác.
Từng có những lần tham gia những chuyến đi dài với những người đàn ông khác, tôi cũng có dịp nghe họ tâm sự. Chẳng hạn, có anh sướng vì 50 tuổi mới cố mãi mới đẻ được thằng con trai, nhưng họ cũng hiểu rằng trong câu chuyện ấy người thật sự khổ sẽ là người phụ nữ.
Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cho rằng, những định kiến đó là tự các ông đưa ra với nhau chứ phụ nữ có bao giờ định kiến chuyện ấy đâu. Phụ nữ thấy anh nào không uống rượu thì quá là đáng tôn vinh. Những gì đàn ông định kiến thì phụ nữ rất thích. Vì thế đàn ông cứ tự làm khổ nhau rồi lại đòi quyền bình đẳng thì không ổn.
Sẽ có những người đàn ông như thế, nghĩa là sự kiêu hãnh tự hào của họ chỉ nằm ở một số thứ. Ví dụ họ không tự hào về gì khác, chỉ có thể tự hào về đẻ con trai thì phải dìm các đàn ông khác để tôn vinh mình lên thôi. Nếu gặp những ca như thế, các anh hãy tìm những người đàn ông tự tin về những thứ khác để nói chuyện.
Tất nhiên, ở chuyện này, phụ nữ cũng có những người dìm nhau ở một số điểm nào đó, để họ có thể cảm thấy có giá trị hơn. Tất cả đều là vì sự thiếu tự tin trong những lĩnh vực nào đó.
Còn câu anh hỏi phụ nữ có thể giúp đàn ông văn minh hơn không, chắc chắn là có. Một phần của việc có những đàn ông không văn minh lắm cũng là trách nhiệm của phụ nữ, nhất là việc họ được sinh ra và nuôi dưỡng như thế nào. Nếu chúng ta muốn thay đổi chồng mình hoặc những người đi trước thì khó, nhưng với con cái thì phụ nữ có sức ảnh hưởng cực kì mạnh mẽ. Nếu là người mẹ thể hiện sự văn minh, năng động, để con mình thấy mẹ cũng làm được rất nhiều việc và luôn có sự tôn trọng lẫn nhau thì đứa con của chúng ta sẽ văn minh.
Bàn về những áp lực mà người đàn ông phải đối mặt, “Táo giao thông” Chí Trung cho rằng, “ cái đáng sợ với người đàn ông là người phụ nữ đặt ra những áp lực về kinh tế, về địa vị, về thứ hạng. Trong khi trời sinh ra, có những người như thế này và những người như thế kia. Cuộc sống may mắn thất bại hay thành công nhiều khi không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của đàn ông.
Chẳng hạn, chúng tôi ở một căn hộ tập thể nhỏ ở Tràng Tiên, ở 45 năm rồi. Nhiều người hỏi sao anh ở lâu thế, tôi chỉ bảo mình thích. Thật ra mình không có điều kiện để thay đổi. Nếu Ngọc Huyền đòi hỏi tôi phải có một chuntg cư, một biệt thự, một cái gì đó hoành tráng thì mệt lắm.
Nếu đàn ông mà bị người vợ đặt áp lực lên, rồi nhìn bằng ánh mắt thương hại khi chồng không thành công, thì đó là điều đáng mẹt mỏi vô cùng. Tất nhiên, tôi cũng phải cố gắng hàng ngày, để không bao giờ rơi vào cảnh bị vợ nhìn bằng ánh mắt như thế...
Đàn ông “chất” phải kiếm tiền… hơn vợ?
Đại diện cho phái nữ, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh chia sẻ về nỗi vất vả kiếm tiên của đàn ông: “Em là người phải ra ngoài kiếm tiền, và hiểu rằng kiếm được đồng tiền trong xã hội là khó. Vì thế, em thấy nếu phải là trụ cột kiếm tiền trong gia đình thì đó là một gánh nặng rất lớn với đàn ông. Em cũng mong sau này con mình lớn, cũng lấy được một cô nào đó biết kiếm tiền...”
Đụng đến chuyện kiếm tiền, GS Xoay phản biện bằng một nghịch lý: Nếu vợ của con em biết kiếm tiền thì có khi con em lại… khổ. Bởi đàn ông bọn anh thân lừa ưa nặng. Vợ không kiếm được tiền, mình phải căng ra kiếm tiền thì khổ, mà vợ kiếm được thì mình cũng sẽ khổ theo cách khác.
Dương Thùy Linh cho rằng, đàn ông đừng ép mình phải thế này phải thế kia, đừng tự làm khổ mình. Em nghĩ khi còn nhỏ, nếu họ biết trân trọng những gì mẹ họ làm trong gia đình thì sau này, họ cũng sẽ không có mặc cảm nếu là người kiếm ít tiền hơn vợ. Thật ra không ai có thể đi ra ngoài kinh doanh, làm ăn tốt được nếu không có một người lo lắng ở nhà. Em nghĩ đàn ông cũng không nên tự hành hạ bản thân mình quá.
Mà như em thấy, phụ nữ Việt Nam giờ cũng khá chủ động. Như em gái em lấy chồng Nhật Bản, ở đó, phụ nữ vẫn được trông chờ để ở nhà chăm con, còn người đàn ông có thể đi làm ở thành phố khác cả tuần và chỉ về nhà mấy ngày. Nghĩa là chúng ta cũng không đến nỗi quá tệ đâu. Và em nghĩ đàn ông Việt Nam mình cũng mở, cũng sẵn sàng lắng nghe, như cuộc tọa đàm này là ví dụ.
Nhưng, thay mặt chị em, em muốn chia sẻ thế này: mọi người vẫn nói là có 2 ngày của phụ nữ. Nhưng thật ra ngày 8/3 không phải ngày để tặng hoa, tặng socola, mà là ngày để họ đòi quyền bình đẳng. Trong ngày đàn ông, các anh cũng có thể đòi quyền bình đẳng: tôi được phép mềm yếu hơn, tôi không phải quá mạnh mẽ nữa. Chúng ta đừng cứ ép phái mạnh phải là "mạnh". Cái đó cũng làm các anh khổ lắm đấy. Chẳng hạn, có những người đàn ông không chia sẻ gì với vợ về khó khăn, bởi họ sợ vợ lo lắng, sợ vợ coi thường mình. Nhưng chính những cái đó làm phụ nữ khong hiểu đàn ông của m ình. Với vợ, các anh hãy cho phép mình yếu mềm hơn một chút
Làm đẹp cho đàn ông hay cho phụ nữ khó hơn?
Là giám đốc sáng tạo của Giovanni, thương hiệu thời trang nổi tiếng dành cho đàn ông, ông Tim Voegele Downing chia sẻ: “Làm đẹp cho phụ nữ rất khó vì chính bản thân phụ nữ cũng không biết bản thân họ muốn gì, khi phụ nữ đang tìm vẻ đẹp này những thực tế lại đang tìm thêm hướng khác. Việc làm đẹp cho đàn ông cũng khó vì ngày nay đàn ông càng quan tâm đến vẻ ngoài của mình hơn và vẻ ngoài cũng quan trọng không kém gì phụ nữ.
Trở thành đàn ông chất hay đàn ông đẹp cũng rất là khó và có rất nhiều cách để người đàn ông có thể giao tiếp ra bên ngoài. Trong xã hội hiện nay, người đàn ông mặc như thế nào, đi xe gì thì cũng thể hiện được sự tinh tế của anh ta. Điều này cũng rất là khó…Bỏ qua hết những vấn đề về văn hóa, đặc điểm vùng miền... thì đàn ông mọi nơi đều giống nhau, đều có những khó khăn riêng và cũng phải chịu những áp lực.
Ở Nhật Bản để những người đàn ông có thể thay đổi có thể đến 20 năm để có quá trình thay đổi, Trung Quốc là 15 năm còn Việt Nam là quá nhanh và chỉ khoảng 5 năm mọi thứ đã rất thay đổi. Như thế đặt gánh nặng với người đàn ông nhưng đàn ông VN rất thân thiện và rất cố gắng, tôi rất thích mội trường sống ở VN.
Đàn ông phải biết chia sẻ cảm xúc của mình
Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh thừa nhận: “Từ bố em, rồi chồng em hay dạy con điều này mà em cũng không đồng ý, ví dụ con đừng có kêu nhiều, đàn ông không ai lại như thế, đàn ông không được khóc, không than thờ thế này thế kia, chính những cái đó khiến cho các anh về sau cảm thấy mình là người cô đơn nhất thế gian. Khi các anh cảm thấy cô đơn sẽ bị thiếu thốn góc độ về tình cảm trong trái tim, cảm thấy không được chia sẻ, và rất khó để chia sẻ với phụ nữ và những người xung quanh.
Anh Tim có chia sẻ các nước khác có đến cả trăm năm để thay đổi về bình đẳng giới, họ có thể thay đổi từ từ, trong khi chúng ta chỉ có 5 năm, thì sự nỗ lực từ phía cả 2 giới là rất lớn. Nếu chúng ta có được xã hội ổn định, phát triển và gia đình hạnh phúc, thì đàn ông phải học cách chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc của mình, cả những khó khăn mà mình gặp phải, đừng lấy sự sĩ diện hay cái tôi đàn ông của mình trong mắt vợ mình sẽ bị yếu đi.
GS Xoay thì chia sẻ bi kịch mà anh từng chứng kiến: “Tôi biết những người đàn ông đang thành đạt rồi phá sản. Trong suốt thời gian đó vợ không biết gì, vẫn đi mua những cái tùi hàng chục ngàn đô, trong khi chồng phải đi vay về để chu cấp cho vợ vì không dám chia sẻ với vợ đấy là những người đàn ông đã là thành đạt, còn những người đàn ông thậm chí bị đuổi việc cũng không dám nói với vợ, cứ ngày nào cũng vờ như đi làm nhưng gặp rất nhiều vấn đề...”
Dương Thùy Linh tâm sự: Tôi đánh giá cao những người đàn ông có khả năng bộc lộ cảm xúc, đó là khả năng thể hiện chỉ số EQ cao, họ không cảm thấy xấu hộ với việc đó, họ đủ tự tin và không sợ bị đánh đó là yêu đuối. Có những lúc, người đàn ông của em đã ôm vợ khóc nức nở khi trong nhà có chuyện buồn hay có những đam mê ước vọng bị bức xúc đã gục vào lòng không khác con trai em. Em trân trọng vì nếu không chia sẻ với em thì sẽ đi tìm nguồn khác để chia sẻ.
Tranh cãi về chuyện ngoại tình
Từ hàng ghế khán giả, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tư vấn làm trong lĩnh vực bình đẳng giới và giáo dục trẻ em, cho rằng đàn ông khi phản bội, nói dối hay bạo lực đều là số 0, cho dù trước đó có làm bao điều tốt. Chị Nga cho rằng, nam giới và phụ nữ khác nhau, sự vị tha của phụ nữ lớn hơn, những khi phụ nữ không chịu được, đã bước đi là đi thẳng…
Nói về chuyện phản bội, ngoại tình của đàn ông, Chí Trung kể, bố mẹ tôi bỏ nhau, mẹ tôi định bỏ đi, bà nội tôi khuyên rằng, đàn ông có thể ngoại tình thoái mái, nhưng tối nó vẫn về với gia đình, vẫn yêu vợ nhất.
Anh nhận xét rằng, đàn ông rất hay ngoại tình, trừ những người quá sa đọa thì tôi không nói, nhưng phần đông đều có cái tính này, nhưng cũng chỉ là… cho vui thôi, vì đây là tính năng của giống đực vì trong tự nhiên, con đực luôn muốn chiếm hữu và chinh phạt. Đàn ông nói chung ba lăng nhăng nhưng không bỏ vợ. Phụ nữ rất ít ba lăng nhăng, họ rất yêu chồng yêu con, nhưng khi họ đã ngoại tình, đã yêu một người nào đó thì bước qua tất cả, bước qua mặt chồng, xác con đi luôn.
Trước màn tranh cãi này, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh triết lý: Đôi khi sống bản năng (như cách nói của Chí Trung) thì cũng tốt thôi, nhưng nếu thế đâu cần phải có nền văn minh? Nếu nói bản năng ra đây thì hôn nhân là thứ đi ngược bản năng. Chị kết luận đanh thép: nếu muốn sống bản năng thì đừng lôi người khác vào sự đau khổ ấy, hãy sống độc thân và kiếm những người phụ nữ có nhu cầu đấy thay vì ràng buộc một người phụ nữ với mình xong lại đi ngoại tình và nói đó là bản năng của tôi. Trong cuộc sống này mình phải biết rõ mình là ai để không làm tổn thương người khác.
Cần ngày 19/11 để thể hiện sự yêu thương giữa hai giới
Cuộc tọa đàm càng về cuối càng sôi nổi, với nhiều chủ đề khác nhau được đưa ra bàn luận.
“GS Xoay” Đinh Tiến Dũng tổng kết: Sau buổi tọa đàm ngày hôm nay chúng ta bắt đầu nhắc tới khái niệm ngày 19/11. Đã có 70 quốc gia và vũng lãnh thổ công nhận ngày này là ngày đàn ông rồi, biết đâu chúng ta sẽ là đơn vị thứ 71, 72... có Ngày đàn ông. Khi chúng ta có ngày này trong cuộc sống cũng là một dịp để anh em chúng tôi chia sẻ mong muốn hoặc có một dịp để anh em lấy cớ để … ngồi với nhau như thế này.
Tôi cho rằng, trong cuộc sống ngày hôm nay càng ngày càng ít cơ hội để thể hiện tình yêu thương. Mỗi một ngày được tạo ra dù đấy là ngày phụ nữ hay ngày đàn ông thì cũng là cái cớ để chúng ta thể hiện sự yêu thương giữa hai giới. Bởi lẽ vào ngày phụ nữ (8/3 hay 20/10) thì không chỉ các chị em phụ nữ chúc mừng cho nhau mà thành. Thì đến ngày đàn ông cũng vậy, không chỉ có đàn ông với nhau mà chính là ngày phụ nữ dành cho đàn ông. Nên xét cho cùng ngày đàn ông cũng chỉ là cái cớ để chúng ta quan tâm đến nhau hơn và đấy là mong muốn mà chúng tôi tổ chức tọa đàm ngày hôm nay.
BTC
(Báo Thể thao & Văn hóa – Tập đoàn Giovanni)
PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “ĐÀN ÔNG CHẤT LÀ…”
Cũng trong buổi tọa đàm, báo Thể thao & Văn hóa và Tập đoàn Giovanni chính thức phát động cuộc thi viết “Đàn ông chất là…”, từ ngày 19/11 – 19/12.
Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cả những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và định cư ở nước ngoài đều có thể trở thành những nhà “đàn ông học” với cuộc thi này, thông qua các hình thức tham dự bằngBài viết, Tác phẩm ảnh, Video clip.
Về bài viết: không giới hạn số lượng, độ dài mỗi bài không quá 1.500 chữ (ưu tiên những bài viết có hình ảnh kèm theo phù hợp với nội dung bài viết. Tác phẩm ảnh: khuyến khích chùm ảnh từ 10 bức trở xuống, ảnh màu hoặc đen trắng do chính tác giả (người gửi ảnh) chụp bằng máy ảnh hoặc điện thoại, ảnh gửi dự thi phải ở dưới dạng file JPG có dung lượng tối thiểu 1MB, độ phân giải tối thiểu 300 dpi.
Video clip: mỗi nhóm hoặc cá nhân là tác giả của video clip, gửi tối đa với 3 tác phẩm, thời lượng không quá 10 phút. BTC chấp nhận video clip dự thi quay bằng điện thoại,định dạng phổ biến avi, mpeg, mkv, klv, mp4… Các tác phẩm ở mọi hình thức tham dự cần có thể hiện những cái nhìn độc đáo về đàn ông, có ý tưởng sáng tạo, thông điệp rõ ràng.
Bài dự thi gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: ngaydanong1911@gmail.com kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa(11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) từ ngày 19/11 đến 19/12/2017.
Ban giám khảo của cuộc thi bao gồm: Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa- ông Lê Xuân Thành, nhà báo Trương Anh Ngọc, Giám đốc sáng tạo Giovanni - ông Tim Voegele Downing và “giáo sư” Cù Trọng Xoay - ông Đinh Tiến Dũng.
Cuộc thi sẽ công bố kết quả vào ngày 26/12 tại Fanpage của Báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") với các hạng mục giải thưởng như sau:
- 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng.
- 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng.
- 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng.
- 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng.
|