(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/11, cuộc tọa đàm Đàn ông là số 1 hay số 0? và lễ phát động cuộc thi Đàn ông chất là…do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã diễn ra sôi nổi tại tầng 9, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Dưới sự dẫn dắt của MC “giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, đàn ông tại Việt Nam đã được các khách mời: ông Tim Voegel-Downing - Giám đốc sáng tạo của tập đoàn Giovanni, nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hot blogger Hoàng Minh Trí (Cu Trí) và Hoa hậu thân thiện Dương Thuỳ Linh và các khán giả “mổ xẻ”, phân tích.
Đàn ông từ cái nhìn của chính họ
Trong thành phần khách mời của cuộc tọa đàm, số đông cũng là đàn ông. Và nghe đàn ông nói về chính mình, dù là người Việt hay khách mời quốc tế, người ta mới vỡ lẽ ra nhiều điều tưởng như cũ mà vẫn rất mới ở họ.
Ví như, đàn ông Việt Nam vẫn có “đặc tính” ham vui ở những quán bia sau giờ làm, vẫn có những lúc về nhà, “vắt chân” lên ghế, cầm tờ báo đọc, tỏ vẻ đăm chiêu nghĩ về một điều gì đó nhưng thực chất chả nghĩ gì, chỉ là để việc nhà cho vợ làm hết. Chưa kể, nhắc đến đàn ông, người ta còn biết đến thói ngoại tình, vốn được xem là bản năng “đi săn” từ thời tiền sử đến nay.
Ở một khía cạnh khác, dù ở thời hiện đại thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều gia đình được hình thành từ những cuộc hôn nhân do “bác sĩ bảo cưới”. Khi đàn ông chưa có sự chuẩn bị tâm lý về cuộc sống mới, họ thường bộc lộ tính ích kỉ.
Với đa số cách giáo dục bị ảnh hưởng bởi quan điểm “trọng nam khinh nữ” ngay từ trong gia đình, của các bà mẹ “nuông chiều” những đứa con trai, đã dẫn đến một thế hệ những người đàn ông có lối sống ngại, lười và ít chia sẻ với người phụ nữ của mình trong cuộc sống gia đình.
Như hot blogger Hoàng Minh Trí (Cu Trí), anh thừa nhận, mình khó chịu vì nửa đêm phải thức giấc pha sữa cho con. Trong khi đó, hoa hậu Dương Thùy Linh bảo, chính vì lối giáo dục đấy mà nếu có người đàn ông nào thay một chiếc bỉm cho con, đã trở thành ông bố “vĩ đại” nhưng đó lại là việc mà người phụ nữ làm đến trăm lần cũng vẫn bị cho là bình thường.
Tất nhiên, cùng với những “thói xấu” của đàn ông Việt thì chính quan niệm, và định kiến cũng làm khổ họ.
Cái khổ của những người đàn ông không dám khóc trước mặt người phụ nữ của mình, không dám chia sẻ sự thất bại trong sự nghiệp của mình. Kéo theo đó là sự gồng mình để chứng tỏ bản thân của họ, khiến họ nhiều lúc cảm thấy cô đơn trong thế giới này.
Phụ nữ mong muốn gì ở người đàn ông “chất”?
Nếu hot blogger Hoàng Minh Trí cho rằng đàn ông nếu có chất cũng chỉ nên chất với một vài người chứ “chất” với nhiều quá thì tỉ lệ “tai nạn” sẽ rất cao. Và với anh, “chất” là khi ở nhà anh luôn cố gắng là người bố yêu con, đôi khi bố mẹ nhờ gì thì sẽ vui vẻ làm.
Cũng xét trên khía cạnh chiều lòng người phụ nữ của mình để làm người đàn ông “chất”, nghệ sĩ Chí Trung bảo rằng cần phải biết hài hòa về lợi ích giữa "2 phe" bởi có những điểm mà mình không thích nhưng vẫn phải biết biến nó thành niềm vui.
Trong khi đó, hoa hậu Dương Thùy Linh, người phụ nữ duy nhất đại diện cho những gương mặt khách mời, lên tiếng cho một nửa thế giới. Cô mong muốn ở người đàn ông là sự chia sẻ (bằng nhiều cách) với người phụ nữ của mình.
“Tôi đánh giá cao những người đàn ông có khả năng bộc lộ cảm xúc. Đó là những người không cảm cảm thấy xấu hộ với việc đó, họ đủ tự tin và không sợ bị đánh giá là yếu đuối. Đàn ông cũng có thể khóc một cách “ngon lành” bên cạnh người phụ nữ của mình. Nếu người đàn ông của mình làm như thế, tôi thấy đó lại là điều đáng trân trọng. Bản thân người đàn ông cũng hãy coi vợ mình là bạn đời chứ không phải… cái máy đẻ” - hoa hậu chia sẻ..
Sau những tranh luận, “giáo sư Xoay”, nhận định: "Phụ nữ suy nghĩ như máy tính, theo kiểu nhị phân chỉ 0 với 1. Khi chúng tôi có mọi thứ thì chúng tôi là số 1. Còn khi chúng tôi chỉ cần phạm 1 trong khoảng 20 trang quy định của chị em phụ nữ thì chúng tôi là số 0".
Có lẽ để nói về hai giới: đàn ông và phụ nữ sẽ khó có điểm dừng nhưng để đưa ra một ngày dành cho đàn ông ở Việt Nam thì đa số đều đồng tình. Còn bạn, hãy thể hiện quan điểm của mình về một nửa thế giới với cuộc thi Đàn ông chất là… do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) cùng nhãn hàng Giovanni đồng tổ chức.
Những điều đưa người đàn ông về “số 0”
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một khán giả tham dự tọa đàm, người từng làm việc trong chiến dịch về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em cho hay: “Khi đàn ông bộc lộ những chia sẻ, sự quan tâm của mình một cách chi tiết, lúc đấy họ là số 1 trong mắt phụ nữ. Nhưng chỉ cần một biểu hiện của sự phản bội, nói dối hay bạo lực, vô cảm thì lúc đó, chắn chắn họ đã về số 0, dù đã từng làm bao điều tốt đẹp”.
|
Sáng 19/11, buổi tọa đàm Đàn ông là số 1 hay số 0? do Báo Thể thao & Văn hóa và Giovanni tổ chức nhân ngày Quốc tế Nam giới diễn ra sôi nổi, cởi mở và tập trung vào những nội dung thiết thực liên quan tới đàn ông, bình đẳng giới và ngày Quốc tế Nam giới...
Lam Anh